Trong báo cáo kinh tế vừa công bố, VinaCapital cho rằng, sau động thái tăng tỷ giá VND/USD hôm 7/5 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sức ép đối với tiền đồng đã giảm đáng kể, tuy nhiên, cuối tháng 5, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại vẫn leo sát trần.

Những ngày gần đây, NHNN buộc phải can thiệp thông qua thị trường mở để hỗ trợ tiền đồng. Cụ thể, NHNN đã bán ra 200 triệu USD ngoại tệ, giúp tỷ giá ngân hàng về mức 21.820 VND/USD, cách xa trần 21.890 VND/USD.
Tỷ giá tự do (đường màu đỏ) đã tăng gần trần tỷ giá trong cuối tháng 5/2015
Theo VinaCapital, trong nửa sau của năm, tiền đồng vẫn chịu sức ép giảm giá. Một trong những yếu tố tạo sức ép đó là dự trữ ngoại tệ của NHNN ước tính khoảng 38-39 tỷ USD – mức kỷ lục song vẫn chỉ tương đương 3 tháng nhập khẩu – mức an toàn thấp nhất theo quy định của IMF. Dự trữ ngoại tệ giảm đồng nghĩa với khả năng hỗ trợ tiền đồng của NHNN cũng sẽ giảm.

Thứ hai, sau 3 năm ghi nhận thặng dư thương mại, Việt Nam bắt đầu thâm hụt thương mại trở lại với mức nhập siêu 3 tỷ USD kể từ đầu năm. Mặc dù tình trạng thâm hụt không đáng lo ngại bởi các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, … nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong tương lai, nhưng nếu nhập siêu kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến tiền đồng.

Thứ ba, theo VinaCapital, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất sẽ khiến USD mạnh lên và tiền đồng sẽ càng thêm sức ép giảm giá.
Với những yếu tố này, VinaCapital cho rằng tỷ giá sẽ tăng tiếp 1% vào cuối quý III năm nay, nâng biên độ điều chỉnh tỷ giá cả năm lên 3% thay vì 2% như tuyên bố ban đầu của NHNN. Khi đó, tỷ giá sàn ở 21.890 VND/USD, tỷ giá trần là 22.109 VND/USD.

Tuy nhiên, VinaCapital cho rằng, NHNN sẽ không hạ lãi suất. Trần lãi suất huy động VND kỳ hạn từ 1 tới 6 tháng giữ ở mức 5,5%/năm.


Minh Phương
Theo VinaCapital