Khác với nhận định ban đầu của giới phân tích rằng chuyến thăm Trung Quốc, Ấn Độ của ông Brown là các vấn đề mở rộng thương mại, đầu tư, tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân Anh... vấn đề hợp tác bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đã trở thành một trọng tâm trong chuyến thăm.

Quan hệ giữa Ấn - Anh đang ở thời kỳ tốt nhất

Đây là lần đầu tiên của Thủ tướng G. Brown tới thăm Ấn Độ sau khi ông nhậm chức tháng 6/2007. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm được giới phân tích đánh giá là quan hệ giữa Ấn Độ và Anh đang ở mức tốt nhất trong suốt một thời gian dài vừa qua. Anh hiện là đối tác buôn bán lớn thứ tư của Ấn Độ, chiếm 3,56% kim ngạch ngoại thương của Ấn Độ trong năm 2006-2007. Ấn Độ trong năm 2007 đã nổi lên là nước đầu tư lớn thứ hai vào Anh với tổng vốn đầu tư chiếm 1 tỉ Bảng (1,9 tỉ USD).

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ngày 21/1, Thủ tướng Anh Brown đã kêu gọi Ấn Độ hợp tác chống khủng bố; thúc đẩy thương mại song phương và ủng hộ một thỏa thuận quốc tế mới về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ông Brown đề nghị Ấn Độ tham gia "Nhóm đặc nhiệm hành động về tài chính" - tổ chức quốc tế được thành lập nhằm ngăn chặn hoạt động tài trợ cho lực lượng khủng bố - đồng thời cho biết sẽ hỗ trợ Ấn Độ các thiết bị hiện đại để phát hiện những kẻ tình nghi khủng bố tại các sân bay và bến cảng.

Thủ tướng Anh còn kêu gọi thúc đẩy thương mại song phương và thuyết phục Ấn Độ ủng hộ một thỏa thuận quốc tế mới về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực năm 2012. Hai nước Anh-Ấn ký thỏa thuận mới về đào tạo cho hơn 750.000 giáo viên tiếng Anh ở Ấn Độ trong 5 năm.

Hợp tác môi trường, trọng tâm của chuyến thăm Trung Quốc

Trước khi tới Ấn Độ, trong hai ngày 18 và 19/1, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã thăm Trung Quốc và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Thủ tướng Anh bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và chống biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Anh đã chuyển trọng tâm chuyến thăm chính thức Trung Quốc của ông từ các cơ hội kinh doanh sang vấn đề môi trường với cam kết Anh sẽ giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông tỏ ra lạc quan về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đối phó với mối đe doạ do tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của nước này gây ra đối với môi trường.

Anh sẽ cung cấp ít nhất 98 triệu USD từ quỹ của chính phủ để hỗ trợ đầu tư vào các lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái sinh, than sạch, thu hồi và lưu giữ khí CO2. Ông cho biết, đến năm 2020 sẽ chuyển giao một nhà máy năng lượng chạy bằng than trên quy mô thương mại có quá trình thu hồi và lưu giữ CO2 cho Trung Quốc.

Cam kết này đã giúp Anh và Mỹ vượt qua châu Âu để nắm bắt các cơ hội đầu tư và lợi ích kinh tế khi Trung Quốc tăng cường mở cửa thị trường tiêu dùng nội địa và tung vốn đầu tư ra nước ngoài. Anh cũng cam kết trở thành nước đầu tiên trên thế giới có những mục tiêu ràng buộc về pháp lý để cắt giảm lượng khí thải CO2 để đến năm 2050 giảm 60% hoặc 80% lượng khí thải của năm 1990. Ngày 18/1, Anh và Trung Quốc đã ký các hiệp định tăng cường hợp tác để giảm khí thải và phát triển các công nghệ mới, sạch hơn .

Tại Thượng Hải, ông Brown xem xét các kế hoạch xây dựng thành phố sinh thái Dongtan, sẽ xây dựng trên đảo Chongming, ngoài khơi thành phố Thượng Hải. Dự kiến khánh thành vào năm 2010, Dongtan sẽ chứa được khoảng 500 nghìn người và sẽ chỉ cho phép các xe chạy bằng điện hoặc khí hydro hoạt động tại đây.

Dự án này là một liên doanh giữa chính quyền Thượng Hải, Ngân hàng HSBC và công ty thiết kế xây dựng Arup của Anh. Theo nhận định của ông Brown, các hiệp định trên cho thấy Trung Quốc và Anh hiện đang bước vào một thời kỳ hợp tác mới mẻ - “Thời đại hợp tác về môi trường.

Ngoài vấn đề môi trường, Thủ tướng Anh cũng đã thảo luận với Trung Quốc về vấn đề thương mại...

Nguồn: Thời báo kinh tế Việt nam