Vào thời điểm đầu năm 2014, giá tôm thẻ chân trắng trên thị trường loại 100 con/kg được thương lái thu mua với giá dao động từ 120.000 - 130.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn không quá 100.000 đồng/kg. Với giá này làm nhiều hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp không khỏi lo lắng.
Không riêng đối tượng tôm thẻ chân trắng, giá cua trên thị trường cũng đang nằm trong tình trạng tương tự, có thời điểm thương lái ngưng thu mua vì cua bị rớt giá. Hiện nay, giá cua gạch loại nhất cũng chỉ ở mức không quá 200.000 đồng/kg, giảm 50% so với thời điểm đầu năm, làm cho nhiều hộ dân không dám đầu tư nuôi cua theo hình thức bán thâm canh.
Còn đối với cá bống tượng, nông dân chưa hết mừng khi cá tăng giá trở lại, thì nay cũng bị rớt giá chỉ còn từ 250.000 - 300.000 đồng/kg cá loại I. Bên cạnh đó, cách phân loại cá cũng có sự thay đổi. Trước đây, cá có trọng lượng từ 0,5 - 0,7 kg/con được xem là cá loại I, bán được giá cao, từ 0,8 kg đến trên 1 kg được thương lái gọi là cá hố, bởi cá không nằm trong khung giá nào và mua với giá thấp. Ngay tại thời điểm này, cá càng lớn giá càng cao. Tuy nhiên, vì nguồn cá tạp dùng làm thức ăn cho cá không giảm, làm cho chi phí sản xuất tăng nên nông dân đang gặp khó.
Một thực tế là, phần lớn các mặt hàng thuỷ sản của nông dân làm ra, chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài, do đó phải phụ thuộc vào thị trường các nước. Khi cung vượt cầu thì giá bị giảm và ngược lại. Thế nên, nông dân cần phải thay đổi tư duy trong sản xuất và ngành chuyên môn cũng nên kịp thời dự báo thị trường giá thuỷ sản, định hướng cho nông dân chọn đối tượng nuôi hợp lý, tránh xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa, dẫn đến các mặt hàng thuỷ sản bị rớt giá như hiện nay.
Nguồn: chebien.gov.vn