Tháng 11/2007, tập đoàn Ngân hàng Mitsui Sumitomo của Nhật Bản đã liên kết vốn với Ngân hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hiện Mitsui Sumitomo là cổ đông lớn nắm giữ 15% cổ phần của ngân hàng này. Các hoạt động liên kết của Mitsui Sumitomo tại Việt Nam là hoạt động kinh doanh liên quan đến thẻ, cung cấp các khoản vay cho người tiêu dùng, các dịch vụ tài chính hướng tới đối tượng khách hàng là nhân viên các công ty Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam.
Tháng 12/2007, Mitsui Sumitomo cũng tiến hành liên kết nghiệp vụ kinh doanh, giới thiệu khách hàng, hỗ trợ vốn với Ngân hàng thương nghiệp đệ nhất của Đài Loan. Đây cũng là ngân hàng lớn đầu tiên của Nhật Bản thành lập chi nhánh tại Đubai (Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất). Khách hàng chính của ngân hàng là những dự án khổng lồ liên quan tới dầu mỏ và các công ty đầu tư làm ăn tại đây.
Cuối năm 2007, tập đoàn Mitsubishi Tôkyô UFJ và một công ty con, công ty tài chính Acom đã hoàn tất việc thu mua một ngân hàng lớn của Inđônêxia. Thị trường Inđônêxia được ngân hàng này đánh giá là thị trường đầy tiềm năng đối với dịch vụ cung cấp các khoản vay cá nhân cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, ngân hàng Mizuho Corporate cũng tiến hành liên kết với một ngân hàng lớn của Malaixia trong nghiệp vụ thu mua các khoản nợ. Mizuho cũng khẳng định sự quan tâm tới các thị trường châu Á đang tăng trưởng mạnh.
Chiến lược kinh doanh tại thị trường hải ngoại của các ngân hàng Nhật Bản thường rất chậm trễ so với các ngân hàng của Mỹ và châu Âu nhưng thời gian gần đây, sự liên kết về vốn và nghiệp vụ kinh doanh của các ngân hàng Nhật Bản với các ngân hàng nước ngoài phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo nhận định của một quan chức ngành ngân hàng, các ngân hàng Nhật Bản thường khó lập chi nhánh tại nước ngoài, chủ yếu chỉ liên kết và nắm giữ từ vài đến vài chục phần trăm vốn trong một ngân hàng liên doanh tại nước ngoài. Đây mới chỉ là quá trình học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm của các ngân hàng Nhật Bản.

Nguồn: Internet