Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá gạo nội địa trong tháng 11 tại các nước châu Á (trong đó có Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar) giảm do nguồn cung tăng bởi đang vụ thu hoạch trong khi nhu cầu xuất khẩu thấp.

Giá gạo tại Philippines giảm tháng thứ 3 liên tiếp trước dự đoán sản lượng vụ này tăng. Tại các nước châu Á khác, giá tương đối ổn định.

Giá gạo tại Sri Lanka có xu hướng giảm sau khi tăng mấy tháng trước khi sản lượng giảm do hạn hán. Việc chính phủ Sri Lanka quyết định giảm giá trợ cấp gạo nhập khẩu bán qua các trung tâm phân phối và quyết định nhập khẩu 50.000 tấn từ Bangladesh khiến giá giảm xuống.

Tuy nhiên, giá gạo tại Indonesia vẫn ổn định bất chấp đang vụ thu hoạch. Giá nhiên liệu (xăng và dầu diesel) tăng 30% trong tháng 11 sau khi chính phủ Indonesia giảm trợ cấp nhiên liệu đã ngăn đà giảm giá gạo.

Giá gạo tại Trung Quốc cũng ổn định mặc dù cung tăng trong vụ thu hoạch cộng với nhập khẩu. Việc duy trì giá hỗ trợ cao và tăng cường kiểm soát gạo nhập khẩu gần đây cũng hỗ trợ giá gạo Trung Quốc vững.

Giá tại Bangladesh ổn định dù nguồn cung tăng khi đang vụ thu hoạch, bởi chính phủ thực hiện chương trình thu mua lúa. Giá ở Pakistan cũng ổn định trong tháng 11, phản ánh sản lượng cao.

Tại châu Phi, giá gạo tại các nước chịu ảnh hưởng của đại dịch Ebola như Guinea, Liberia và Sierra Leone giảm hoặc ổn định trong tháng 11/2014 nhờ đang vụ thu hoạch. Giá gạo nhập khẩu tại Liberia và Guinea ổn định, nhưng tại Sierra Leone tăng. Giá gạo nội địa tại Madagascar tháng 11 tăng do nguồn cung giảm.

Đối với gạo xuất khẩu, giá nhìn chung giảm trong tháng 11, là tháng thứ 3 liên tiếp giảm do nguồn cung tăng khi vụ thu hoạch mới bắt đầu và do cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu như Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu giảm. 

T.Hải
Nguồn: Vinanet/Oryza