Bộ trưởng Vận tải các nước châu Âu và châu Á mới đây đã nhất trí khôi phục Con đường Tơ lụa cổ xưa và các tuyến đường vận chuyển lâu đời khác nối liền hai lục địa, thông qua các dự án trị giá 43 tỷ USD.
Các quan chức ngành vận tải châu Âu và châu Á đặt mục tiêu đến năm 2014 sẽ khắc phục những trở ngại hiện đang cản trở sự phát triển thương mại giữa hai lục địa, trong đó có các tuyến đường đã bị hư hỏng, các tuyến đường sắt chưa đủ, thủ thục quá cảnh cồng kềnh và các hải cảng chật hẹp hoặ quá tải.
Các bộ trưởng và quan chức cấp cao từ 19 nước, trong đó có Trung Quốc, Iran, Nga và Thổ Nhỹ Kỳ, đã ký văn kiện cam kết nâng cấp các tuyến đường vận chuyển đường bộ thông qua 230 dự án ưu tiên. Giám đốc phụ trách bộ phận vận tải thuộc Uỷ ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) của Liên hợp quốc (LHQ), Barry Cable nói: "Đây là sự hồi sinh của Con đường Tơ lụa, theo đó mang lại cơ hội không chỉ các nước bị đất liền bao vây ở Trung Á và Đông Âu, mà cả các khu vực xa biển cũng được hưởng lợi từ các tuyến đường vận chuyển được nâng cấp."
Con đường Tơ lụa là tuyến đường thương mại nối Đế chế La Mã ở phía Tây với triều đình phong kiến Trung Quốc ở phía Đông được hình thành khoảng 2.000 năm trước, mở ra sự trao đổi kinh tế, văn hoá và mang lại sự thịnh vượng cho các nước mà tuyến đường này chạy qua.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Cable cho biết dự án đầu tư nói trên sẽ cho phép những khu vực xa xôi, hẻo lánh và nghèo đói không có đường ra biển được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hoá. Theo nghiên cứu công bố hôm 19/2 của hai cơ quan khu vực của LHQ, các nước không có biển nằm dọc trục kết nối trên đất liền giữa hai lục địa Âu-Á đang phải phụ thuộc lẫn nhau trong việc tiếp cận tới các thị trường toàn cầu, nhưng một sự suy yếu hay " thiếu vắng" của một nước có thể sẽ khiến toàn bộ tuyến đường không thể tồn tại về mặt kinh tế đối với việc vận chuyển quốc tế.
Gần một nửa trong 43 tỷ USD vốn đầu tư cần thiết đã được huy động từ kho bạc của các nước và các thể chế tài chính, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB). Các nước sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn kết hợp giữa khu vực công cộng và tư nhân.
Thổ Nhỹ Kỳ sẽ nhận được gần 11,5 tỷ USD, chiếm phần lớn trong tổng vốn đầu tư cần thiết của dự án; tiếp đến là Iran (8,4 tỷ USD) và Bungari (5,5 tỷ USD). Vasile Ursu, Bộ trưởng Vận tải Mônđôva -nước chiếm 888 triệu USD vốn đầu tư trong các dự án- nói: "Việc thực hiện các dự án này sẽ giúp giải quyết rất nhiều vấn đề khó khăn, bởi vận tải đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế".
Cố vấn cấp cao của Bộ Đường sắt Trung Quốc, Guozhi Chang, cho biết nước này dự định đầu tư khoảng 12,5 tỷ USD vào nhiều dự án đường sắt trong vòng 5 năm tới.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam