EUR xuất hiện tháng 1/1998 trên thị trường tài chính và có mặt ở mọi nơi vào tháng 1/2002. Cùng với đó, ECB cũng đã thành công trong giữ lạm phát ở mức ổn định cho 15 quốc gia EU với 320 triệu người, 10 năm qua mức tăng trung bình là 2,1%/năm dù cho giá cả đều tăng. Do đó, dù còn có những hạn chế của chính sách tiền tệ đơn nhất nhưng không một quốc gia nào có ý định rời bỏ khối này. Ngoài ra, EUR ngày càng được coi là tiền tệ đáng tin cậy trên thế giới và được nhiều nước quan tâm sử dụng và USD đang mất dần vị trí độc tôn vào tay EUR và các ngoại tệ khác.
Vui mừng với thành quả đạt được, ECB đang tiếp tục hoạch định chính sách tiền tệ phù hợp, hữu hiệu giúp cho các thành viên EU phát triển. Nhiều nhà quan sát cho rằng việc duy trì chính sách tiền tệ thành công của EU là điều cần thiết vì nó tạo ra sự đa dạng và phân tán các nguy hiểm có thể xảy đến. ECB đang cổ vũ chính phủ các nước thành viên mở rộng thị trường lao động, hàng hoá và dịch vụ để các hoạt động thương mại diễn ra mạnh mẽ hơn và một khi các rào cản này được loại bỏ dần thì sẽ có thêm động lực thúc đẩy kinh tế EU phát triển.
Thực ra EUR tăng giá cũng làm tăng nguy cơ gây tổn hại đến xuất khẩu hàng hoá của các nước Châu Âu vì giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ trở nên quá cao. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB và hội đồng quản lý lãi suất của ECB khẳng định sẽ khắc phục điều đó và coi chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu để bảo đảm cho các thành viên EU có được lợi thế trong phát triển kinh tế. Ông Trichet - Chủ tịch ECB nhấn mạnh: Việc ổn định giá cả là điều kiện căn bản cần thiết để vừa bảo đảm giá trị thu nhập của mọi công dân Châu Âu, đặc biệt là những người có thu nhập thấp vừa duy trì các điều kiện bắt buộc nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững và tạo ra công ăn việc làm. Các quan chức EU cho biết việc áp dụng một chính sách tiền tệ chung với EUR duy nhất đã giúp khối này thuận tiện hơn trong thương mại, du lịch và tạo thêm 15 triệu việc làm trong 6 năm qua.
Tuy vậy, việc hoạch định được một chính sách tiền tệ hợp lý cho tất cả các thành viên EU trong khi những nước này là các thực thể kinh tế khác nhau về đẳng cấp, trình độ và cả nhận thức là một thách thức lớn bậc nhất đối với ECB.
Chủ tịch ECB Trichet cho biết ECB sẽ xây dựng chính sách tiền tệ dựa trên tổng thể dữ liệu của các quốc gia sử dụng EUR. Chính sách tiền tệ của ECB đòi hỏi sự đổi thay cấu trúc của các thành viên mà kết quả có thể kích thích tăng trưởng và hạ thấp lạm phát. Những nhiệm vụ này không thể thực hiện chỉ bởi một trong số các thủ đô tài chính Paris, Lisbon, Madrid, Rome hay Berlin mà nó phải xuất phát từ ECB. Và chỉ có ECB mới tiếp tục bảo toàn được những thành quả 10 năm qua đã đạt được để đưa chúng đến cho các thành viên EU thông qua duy trì thực hiện một chính sách tiền tệ mạnh, hợp lý.
(DDDN)

Nguồn: Internet