Các nhà phân tích nhận định sự sụt giảm giá cổ phiếu trong mấy ngày qua đang đe dọa các nền kinh tế châu Á, song các thị trường chứng khoán có thể lấy lại đà tăng trưởng miễn là cú sốc này không tồi tệ hơn.
Các bảng giao dịch điện tử trên các thị trường chứng khoán thế giới bị nhuộm đỏ trong tuần này khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, do tâm lý lo ngại kế hoạch cả gói trị giá khoảng 150 tỷ USD do Tổng thống Mỹ George W. Bush đề xuất nhằm kích thích tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này là động thái "quá ít ỏi và quá muộn".
Thị trường chứng khoán Hồng Công đã giảm gần 9% ngày 22/2, một ngày giao dịch tồi tệ nhất trong lịch sử; trong khi các thị trường chứng khoán của Ôxtrâylia và Trung Quốc giảm hơn 7%, do lo ngại đà suy thoái kinh tế của Mỹ có thể tác động xấu đến triển vọng xuất khẩu của châu Á. Nhưng giới phân tích cho rằng khu vực này sẽ vẫn tăng trưởng khả quan.
Nhà phân tích Fierre Gave, thuộc hãng tư vấn Gavekal (Hồng Công) cho rằng sự sụt giảm có thể tác động đến tâm lý và lòng tin, chứ không thấy có dấu hiệu nào của sự sụt giảm đột ngột về tăng trưởng kinh tế. Ông Gave cho rằng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán châu Á sẽ sớm tăng trở lại.
Nền kinh tế đang phát triển bùng nổ của Trung Quốc hiện sở hữu nguồn dự trữ ngoại tệ hơn 1.500 tỷ USD và giới chuyên gia nói rằng số tiền này có thể cứu cả châu Á khỏi tác động tồi tệ nhất do xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm gây ra thông qua hoạt động thương mại nội khu vực.
Cựu chuyên gia kinh tế của ngân hàng Morgan Stanley, Andy Xie, nhận xét kinh tế Trung Quốc hiện vẫn rất mạnh. Trong khi đó, những nền kinh tế dễ bị tổ thương nhất sẽ là Nhật Bản, vùng lãnh thổ Đài Loan và Xinhgapo vì họ phụ thuộc nhiều nhất vào kinh tế Mỹ. Các nền kinh tế Đông Nam Á đã và đang được hưởng lợi từ giá hàng hóa cao.
Nhà kinh tế Matt Robinson, thuộc hãng Moody's Economiy.com, nhận định nếu giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục sụt giảm thêm 2-3 ngày nữa, cơn biến động này có thể ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng của người dân, "song nó đã không đủ mạnh để làm nên điều này".
Theo ông Robinson, có thông tin dự báo rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sớm cắt giảm thêm lãi suất. FED ngày 22/1 đã giảm lãi suất chủ chốt từ 4,25%, xuống còn 3,5%, động thái mà ông cho rằng có thể giống như một "cái ngắt điện" để ngăn chặn hiệu ứng xấu.
Các chính khách cũng nhanh chóng trấn an giới đầu tư khi giá cổ phiếu sụt giảm giữa lúc quốc tế lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu và châu Á. Tại Niu Đêli, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã cố trấn an tâm lý lo ngại của giới đầu tư, sau khi thị trường chứng khoán Mumbai giảm 5% ngày 22/1.
Ông Singh nói: "Sau khi xem xét các nền tảng kinh tế cơ bản hiện vẫn khởi sắc của Ấn Độ, tôi tin tưởng rằng các thị trường chứng khoán của Ấn Độ sẽ tăng trở lại. Sự sụt giảm đột ngột là một phần của các diễn biến thị trường".
Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda nói rằng nền kinh tế của nước ông sẽ tiếp tục đà hồi phục, mặc dù giá cổ phiếu trên thị trường nước này đã giảm gần 6% hôm 22/1. Ông nói  mặc dù một số lĩnh vực có dấu hiệu suy yếu, tôi nhận thấy rằng sự hồi phục của nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang tiếp tục nhờ khu vực doanh nghiệp vẫn tăng trưởng chắc chắn dựa trên xuất khẩu và sản xuất vững./.
 

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam