Phát biểu với báo giới ở thủ đô La Ha-ba-na, Tiến sỹ Ê-mi-li-ô Phéc-năng-đết (Emilio Fernandez), Giám đốc Viện Nghiên cứu vệ sinh thực vật (INISAV) cho biết nước này đã áp dụng hiệu quả các biện pháp sinh học trong nông nghiệp, kết quả là Cu-ba hiện là quốc gia ở khu vực Mỹ La-tinh có diện tích cây trồng sử dụng các biện pháp này cao nhất (khoảng 1 triệu héc-ta).
Theo Tiến sĩ Phéc-năng-đết, kể từ năm 2003, Cu-ba đã đưa vào sử dụng một cách ổn định và có hiệu quả các biện pháp sinh học để phòng ngừa sâu bệnh ở cây trồng trên phạm vi cả nước. Ông cho biết Cu-ba hiện có 4 nhà máy chuyên sản xuất sản phẩm sinh học và 190 trung tâm nghiên cứu về việc sử dụng các phương pháp sinh học nhằm hạn chế sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu trong chăm bón hoa quả và rau màu.
Đến nay, Cu-ba đã tiến hành trồng đại trà bắp cải và khoai lang bằng phương pháp chăm bón phân vi sinh, trong khi đó hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc trừ sâu trên diện tích khoai tây và chuối. Chủ các nông trại ở Cu-ba đã tăng cường áp dụng các biện pháp sinh học để phòng sâu bệnh, hạn chế sử dụng phân hóa học và trồng đúng thời vụ, trong khi giới nông học không ngừng nỗ lực nghiên cứu lai tạo các giống cây trồng có khả năng chịu sâu bệnh cao. Ngay tại thủ đô La Ha-ba-na, trong nhiều năm nay đã xuất hiện hàng trăm vườn rau sạch chỉ sử dụng phân vi sinh.
Tiến sỹ Phéc-năng-đết khẳng định những thành tựu quan trọng trên thể hiện nỗ lực và trình độ chuyên môn của tập thể cán bộ, kỹ thuật viên của INISAV trong việc phòng chống sâu bệnh ở cây trồng, áp dụng thâm canh, phổ biến và áp dụng công nghệ nhằm bảo vệ sức khỏe con người cũng như bảo vệ môi trường và môi sinh./.
 
 

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam