Cần xây dựng thị trường sữa có tiếng nói chung giữa người sản xuất sữa tươi, nhà chế biến và hội người tiêu dùng như một số nước trên thế giới để đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa các bên.

Đây là nhận định của ông Lã Văn Thảo, Trưởng phòng Gia súc lớn (Cục Chăn nuôi, Bộ NN & PTNT) tại hội thảo “Mô hình tổ chức, công nghệ mới trong chăn nuôi bò sữa và đánh giá phát triển chăn nuôi bò sữa theo Quyết định 167/2001/QĐ-TTg về một số biện pháp và chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa” do Bộ NN & PTNT phối hợp với Hội Xuất khẩu sữa Hoa Kỳ tổ chức sáng nay (23/7), tại Hà Nội.

Đánh giá chung những kết quả đạt được sau 13 năm triển khai Quyết định 167, ông Thảo cho biết, số lượng cũng như chất lượng bò sữa Việt Nam đều có sự tăng trưởng đột phá. Cụ thể, tăng số lượng và chất lượng bò sữa từ 41,24 nghìn con năm 2000 lên 128,58 nghìn con năm 2010 và 200 nghìn con vào tháng 4 năm 2014. Sản lượng sữa cả nước từ 64,7 nghìn tấn năm 2001 lên 306,66 nghìn tấn năm 2010 và 456,39 nghìn tấn năm 2013. Bên cạnh đó, chăn nuôi bò sữa hiện nay cũng đã được cải tiến phương thức công nghệ; hình thành hệ thống dịch vụ chăn nuôi bò sữa, tạo việc làm và thu nhập cho người dân,

Tuy nhiên, chăn nuôi bò sữa cũng còn nhiều hạn chế. Giá con giống cao, từ 11-14 triệu đồng/con năm 2000 tăng lên 19-24 triệu đồng/con năm 2003 và 60-70 triệu đồng con năm 2012, 2013. Điều này dẫn đến tình trạng một số nơi (Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Trà Vinh…) bỏ không chăm sóc, nên đàn bò ở các địa phương này gầy yếu, sữa ít, giảm số lượng đầu con.

Theo ông Thảo, đối với Việt Nam, các nhà máy chế biến sữa không phụ thuộc vào người chăn nuôi bò sữa mà phụ thuộc vào sữa bột. Về lâu dài, tình hình này sẽ không có lợi cho nhà máy chế biến sữa và cho người tiêu dùng vì sớm hay muộn thì sữa tươi cũng được người tiêu dùng ưa chuộng hơn sữa bột hoàn nguyên.

Bên cạnh đó, qua báo cáo của 14 tỉnh và 4 doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa, số hộ chăn nuôi quy mô dưới 5 con/hộ chiếm 36,7% và trên 50 con/hộ chỉ chiếm 0,9%. Trong khi đó, quy mô bình quân đàn bò sữa trong nông hộ ở Thái Lan là 17 con/hộ.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám chỉ đạo: Thời gian tới, cần đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất sữa, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho ngành sữa Việt Nam.

Ý kiến một số chuyên gia cho rằng, cần hình thành Ủy ban Sữa quốc gia bao gồm đại diện người sản xuất sữa, nhà chế biến, Hội người tiêu dùng và đại diện cơ quan của chính phủ. Ngoài ra, để đảm bảo công bằng về chất lượng sữa của các nhà máy chế biến và bảo vệ người tiêu dùng, liên Bộ Y tế, Bộ NN & PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an cần tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo ghi đúng tỷ lệ sữa tươi trên bao bì sản phẩm sữa.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử

Nguồn: Vinanet