I/ Về thị trường:

 - Do thời điểm Tết âm lịch bắt đầu từ những ngày đầu tháng 2 nên giá cả hàng tiêu dùng thời gian này luôn có nhiều biến động theo chiều hướng tăng ở hầu hết các mặt hàng tiêu dùng. Trong đó phải kể đến là nhóm hàng bia rượu, lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng và nhiên liệu. Đặc biệt, giá vàng liên tục tăng mạnh trong khi đồng đô la giảm giá suốt thời gian dài. Đến cuối tháng giá nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như bia rượu, nước giải khát, thịt gia súc gia cầm đã giảm từ 10 - 15%. Tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2008 trên địa bàn tỉnh vẫn tăng khoảng 4 % so với tháng trước. Giá cả tiêu dùng trong tháng tăng cao không chỉ do sức nóng của những ngày lễ Tết, mà còn do ảnh hưởng của đợt rét đậm rét hại kéo dài từ giữa tháng 1 đến cuối tháng 2 khiến nhiều loại hoa màu mất mùa, gia súc gia cầm bị bệnh do không chịu nổi rét và tình hình lạm phát của nước ta tăng kỷ lục vào cuối năm 2007 đầu năm 2008.

Có thể điểm qua một số nét chính như sau:

 1/ Giá vàng:

Chỉ trong vòng một tháng, giá vàng trên địa bàn tỉnh liên tục bứt phá vượt ngưỡng 1.900.000đ/chỉ. Hiện nay, tại cửa hàng Nhà nước, giá vàng 99,99% mua vào là 1.865.000 đ, bán ra 1.905.000đ/chỉ, còn tại các cửa hàng tư nhân giá vàng cũng tăng vọt và hiện được mua vào 1.870.000 - 1875.000 đ/ chỉ, bán ra 1.900.000 đ/chỉ. Giá vàng tăng do tác động từ việc giá vàng thế giới tăng lên gần 970 USD mỗi ounce, đồng thời giá dầu thế giới chạm mức 103 USD/thùng, bên cạnh đó là sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ khiến nhiều nhà đầu tư chọn vàng như là giải pháp tối ưa nhất khi đồng USD giảm giá. Trong khi đó, nhiều quỹ dự trữ vàng chưa có dấu hiệu tung vàng ra bán vào thời điểm này. So với cùng thời điểm tháng 1/2008, giá vàng tháng 2 đã tăng thêm từ 110 - 130.000 đ/chỉ.

2/ Giá đô la Mỹ và Euro:

Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá giao dịch liên ngân hàng của đồng Đôla Mỹ so với đồng Việt Nam (VNĐ) trong tháng tiếp tục đà trượt dốc khi 1 USD bằng 16.050 VNĐ áp dụng cho ngày 29/2/2008. Hiện giá đô la mua vào tại Ngân hàng Ngoại Thương là 15.930 đ/USD và bán ra là 15.932 đ/USD, giảm 50đ/USD so với tháng 1/2008. Dự báo tỷ giá đồng USD sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới do nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ sa sút và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Tỷ giá đồng Euro trong tháng tiếp tục biến động tăng 365 đ/Euro và hiện có giá mua vào bằng tiền mặt là 23.720 đ/Euro, mua chuyển khoản 23.792 đ, bán ra là 24.232 đ/Euro.

3/ Giá cả một số mặt hàng thiết yếu:

Nhóm hàng thóc gạo trên địa bàn liên tục tăng cao sau Tết do giá gạo xuất khẩu tăng và nhu cầu nhập khẩu gạo từ nước ngoài cũng tăng mạnh nhưng nguồn cung hạn chế. Mặt khác một số quốc gia sản xuất gạo như Ấn Độ, Inđonesia mất mùa khiến gạo của nước ta càng được giá. Điều này làm tăng giá gạo trong nước và trên địa bàn tỉnh. Giá gạo tại chợ Lớn (Tp Hải Dương) đang được bán như sau: gạo X, Si mới 8.000 đ/kg, gạo hương thơm, gạo P6 giá 8.500 đ/kg, gạo nếp cái hoa vàng  12.000 đ/kg. Theo dự báo giá thóc gạo sẽ còn tăng nhẹ trong tháng tới do hiện nay nước ta đang đứng trước rất nhiều hợp đồng chào mua gạo từ nước ngoài và Thủ tướng Chính phủ đã khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu nên chậm ký kết để chờ đợi giá gạo thế giới tăng thêm.

Trong tháng 2, giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm ồ ạt tăng theo dịp Tết, giá nhiều mặt hàng tăng mạnh từ 10-25% so với ngày thường. Trong số đó là mặt hàng bia rượu, nước giải khát, mứt Tết, hạt dưa, hạt bí và thịt gia súc gia cầm. Tuy nhiên sau Tết, giá bia các loại đồng loạt giảm từ 10 - 15%. Bia Hà Nội từ 170.000đ/hộp giảm 15.000đ  còn 155.000 đ/hộp 24 lon, bia Heiniken từ 290.000 đ/hộp giảm còn 270.000 đ/hộp, bia Halida giảm còn 150 - 155.000 đ/ hộp cùng loại, nước cam ép giảm 5.000đ xuống còn 80.000 đ/hộp 24 lon, bia Hà Nội két 20 chai giảm còn 118.000 đ/két.

Đầu tháng, giá thịt gia súc gia cầm liên tục tăng mạnh so với tháng trước do nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân cao hơn thường ngày. Cao điểm (từ 4/2 – 20/2), giá thịt lợn và thịt bò thành phẩm đã tăng thêm từ 20 - 40.000 đ/kg tùy loại, có lúc giá thịt lợn thăn đã tăng lên tới 75.000 đ/kg, thịt mông sấn 65 – 68.000 đ/kg, thị bò thăn 130.000 đ/kg. Tuy nhiên tới cuối tháng giá thịt gia súc gia cầm đã hạ nhiệt phần nào nhu cầu giảm và nguồn cung tăng. Hiện nay, giá thịt ba chỉ là 45 - 47.000 đ/kg, thịt mông sấn 52.000đ/kg, thịt nạc thăn 65.000đ/kg, giò lụa 80.000 đ/kg, thịt bò bắp 100.000 đ/kg, thịt bò đùi và bò thăn loại ngon 115.000 - 120.000 đ/kg, giá thịt trâu rẻ hơn thịt bò khoảng 5.000 đ/kg. Giá một số loại thịt gia cầm cũng giảm nhanh sau Tết; giá gà hiện giảm còn 60.000đ/kg, ngan ta 35.000đ/kg, gà công nghiệp làm sẵn 45.000đ/kg.

Giá các mặt hàng thủy sản cũng tăng từ đầu tháng, cuối tháng giảm nhẹ và hiện nay giá vẫn còn tương đối cao như cá chép ao (loại 1kg) là 35.000đ/kg, cá trắm ao 30.000 đ/kg, cá quả nuôi loại 500g/con khoảng 45.000đ/kg, ốc nhồi 30 - 32.000 đ/kg, cá lục 30.000 đ/kg. Giá hải sản ổn định; mực ống loại to 70 - 75.000 đ/kg, mực nang 70 - 75.000 đ/kg.

Thị trường hàng nông sản biến động tăng mạnh trong tháng 2 do nguồn cung hạn chế, thời tiết lạnh kéo dài khiến nhiều loại rau quả khan hiếm. Tuy nhiên đến cuối tháng giá nhiều loại rau đã hạ nhiệt do nguồn cung phong phú hơn. Giữa tháng,  giá xu hào có khi lên tới 6.000 đ/kg, bắp cải 5.000 đ/kg, cải thảo 14.000 đ/kg. Ngược lại, giá một số mặt hàng khô khá ổn định; vừng vàng 28.000 đ/kg, đỗ tương 10.000 đ/kg, đỗ đen  14 -15.000đ/kg, lạc nhân 23 - 25.000 đ/kg, hành tây 5.000 đ/kg, nấm hương 170-180.000 đ/kg. Giá hạt bí, hạt dưa tăng cao từ 10 - 15 % vào những ngày giáp Tết, có lúc hạt bí lên tới 65 - 70.000 đ/kg, hạt dưa 45.000 đ/kg.

Giá hoa quả ổn định nhưng khá cao; táo tầu 20.000 đ/kg, dưa hấu 4.000đ/kg, cam sành 15.000 đ/kg, quýt đường 16.000 đ/kg, nho xanh 45.000 đ/kg, lê 10.000 đ/kg, thanh long 10 - 12.000 đ/kg.

Thị trường bánh kẹo, đường sữa ổn định; đường kính trắng xuất khẩu 9.000/kg, sữa đặc Ông Thọ 10.000đ/hộp, sữa Dutch Lady 123 hộp 400g giá 58.000đ, sữa Dielac 123 (hộp 400g) giá 64.000đ.

4/ Giá dịch vụ:

Ngoài sự tăng giá của những mặt hàng tiêu dùng, giá cước vận chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh cũng tăng khoảng 10% so với tháng trước do giá nhiên liệu đắt đỏ. Trong tháng 2 giá dịch vụ thuê xe, vận chuyển bằng xe khách tăng đột biến do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Đây cũng là thời điểm nhiều lễ hội được tổ chức nhân dịp đầu xuân. Nhân cơ hội này, giá nhiều loại dịch vụ khác cũng tăng khó kiểm soát như giá trông giữ xe, rửa xe, phục vụ .v.v…

5/ Giá vật tư­, phân bón:

Giá các loại khí đốt trên địa bàn tỉnh bắt đầu tăng mạnh kể từ trưa ngày 25/2, giá xăng các loại đã tăng thêm 1.500 đ/lít. Xăng A92 có giá 14.500 đ/lít, A95 là 14.800/lít, dầu hỏa 13.900 đ/lít, dầu diêzen 0,05S là 13.950 đ/lít, dầu mazut 9.500 đ/kg. Giá xăng dầu trong nước tăng cao là do giá thành nhập khẩu xăng dầu liên tục tăng, đây cũng là lần tăng giá đầu tiên trong năm 2008. Chính phủ đưa ra quyết định này để Nhà nước và nhân dân cũng chia sẻ tránh bù lỗ. Hiện nay giá các loại gas vẫn ổn định và giữ ở mức giá khá cao do giá thành nhập khẩu từ nước ngoài cao; giá gas Petrolimex là 255.000đ/bình 12kg, gas Petro Việt Nam 235.000đ/bình 12 kg, gas Total 260.000 đ/bình cùng loại. Với đà tăng giá khí đốt như hiện nay, chắc chắn giá gas sẽ tăng thêm từ 7 - 10.000 đ/ bình 12kg vào dầu tháng 3 tới.

Thị trường phân bón trong tháng cũng tăng do giá phân bón nhập khẩu tăng cao, đồng thời do giá nguyên, nhiên vật liệu sản xuất tăng; đạm Urê Hà Bắc 7.000đ/kg, lân Lâm Thao 2.800đ/kg, kali Nga 8.500 đ/kg,  NPK Việt Nhật (16-10-8)  7.500 đ/kg, NPK Lâm Thao 5.000 đ/kg.

Giá vật liệu xây dựng các loại vẫn liên tục biến động tăng mạnh do ảnh hưởng của việc tăng giá nhiên liệu dùng cho sản xuất. Giá gạch, cát, đá và sắt thép các loại tăng khoảng 8 - 10 % so với tháng trước. Sắt cây Thái Nguyên Φ14 là 220.000 đ/cây, thép liên doanh cuộn Φ6, Φ8 giá 15.900/kg. Giá một số loại xi măng cũng tăng do ảnh hưởng từ việc tăng giá điện, than và nguyên liệu phục vụ sản xuất; xi măng Hoàng Thạch tăng lên 860 - 870.000 đ/tấn, xi măng Trung Hải 680 - 690.000 đ/tấn, xi măng Hải Dương 610 - 620.000đ/tấn.

 (TRUNG TÂM THÔNG TIN, XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI - DU LỊCH HẢI DƯƠNG)

Nguồn: Vinanet