Dẫn nguồn tin từ Chinhphu.vn, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết từ đầu năm đến nay, việc khai thác, sử dụng, dự trữ gỗ rừng tự nhiên được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ tiêu kế hoạch sản lượng khai thác gỗ rừng tự nhiên năm 2011 đã được Thủ tướng phê duyệt sử dụng cho nhu cầu thiết yếu của các địa phương có rừng khai thác là 165.000 m3; dự trữ cho phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai 25.000 m3; dự trữ cho quốc phòng, nhu cầu quan trọng của Nhà nước 10.000 m3.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo chỉ tiêu này, Bộ đã thông báo, hướng dẫn các địa phương giao kế hoạch khai thác cho các chủ rừng có phương án quản lý rừng bền vững, phương án điều chế rừng được duyệt và trong thời gian qua không để xảy ra vi phạm về công tác quản lý bảo vệ rừng trong lâm phần được giao.

Để triển khai kế hoạch khai thác cung ứng gỗ cho các nhu cầu, Bộ đã yêu cầu các tỉnh sau khi giao kế hoạch phải có thông báo tới các địa phương, đơn vị trong cả nước biết để liên hệ mua gỗ. Giá mua bán gỗ do Ủy ban nhân dân tỉnh có khai thác quy định hoặc theo thỏa thuận giữa bên bán và bên mua. Thời gian dự trữ gỗ thực hiện đến hết ngày 31/12 hàng năm, ngoài thời gian này, nếu không có nhu cầu thì đơn vị dự trữ gỗ được tự quyền quyết định tiêu thụ cho các mục đích khác.

Trong quá trình triển khai kế hoạch khai thác gỗ năm 2011, tiến độ thực hiện tuy đạt thấp so với cùng kỳ năm trước nhưng các địa phương đều cam kết sẽ hoàn thành 100% kế hoạch. Khối lượng gỗ khai thác được, các địa phương đều sử dụng, dự trữ và cung ứng theo đúng quy định.

Xây dựng được 10 mô hình quản lý rừng bền vững

Về thực hiện mô hình thí điểm quản lý, sử dụng rừng bền vững theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tính đến tháng 5/2011, Bộ đã hướng dẫn thực hiện xây dựng được 10 mô hình quản lý rừng bền vững. Cụ thể, năm 2010-2011 triển khai 6 mô hình trong đó Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Quảng Bình, Đắk Nông mỗi địa phương 1 mô hình, Gia Lai 2 mô hình. Trước đó, năm 2008-2009 đã triển khai được 4 mô hình, trong đó Đắk Nông và Kon Tum mỗi tỉnh có 1 mô hình, Đắk Lắk 2 mô hình.

Qua triển khai thực hiện mô hình này cho thấy rừng được bảo vệ tốt, giá trị kinh doanh rừng tăng rõ rệt, thu hút nhiều lao động tham gia nghề rừng.

Dự kiến trong năm 2012, Bộ sẽ đánh giá sơ kết các mô hình đã triển khai để bổ sung, rút kinh nghiệm và trên cơ sở đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai ra diện rộng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng dự kiến hạn mức sản lượng gỗ rừng tự nhiên khai thác năm 2012 là 200.000 m3 sử dụng cho nhu cầu thiết yếu của các địa phương có khai thác rừng, cung ứng gỗ cho phòng chống thiên tai, quốc phòng và cung ứng cho các tỉnh không có khai thác rừng tự nhiên.

Nguồn: Vinanet