Giá điều thô NK đang tăng nhanh, khiến cho nhiều DN chế biến điều e ngại. Trước tình hình đó, VINACAS cho rằng, các DN cần phải thận trọng, không nên vội NK điều thô với giá cao như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch VINACAS, so với hồi đầu vụ, giá điều thô của Tây Phi khi về tới Việt Nam hiện đã tăng thêm tới 100-120 USD/tấn.

Ông Tạ Quang Huyên, GĐ Cty CP Hoàng Sơn 1 (Bình Phước) cho biết cụ thể, giá điều thô Tây Phi về tới Việt Nam hiện ở mức 1.300 USD/tấn.

Trong nội bộ ngành điều, có những lý giải khác nhau về tình trạng giá điều thô châu Phi tăng mạnh như trên. Ông Thanh cho rằng, giá tăng là do yếu tố đầu cơ từ các tập đoàn lớn trên thế giới. Nhiều tập đoàn đã đẩy mạnh thu mua điều thô Tây Phi. Bằng chứng là cách đây mấy tuần, số lượng điều thô từ vùng thu hoạch đi tới các cảng ở Tây Phi rất ít, bởi nhiều Cty đã tới chặn mua ngay tại cửa rừng.

Ông Phạm Công, Phó chủ tịch VINACAS thì cho rằng, các nhà đầu tư Singapore, Ấn Độ đã đẩy mạnh thu mua điều thô Tây Phi trong thời gian qua. Ở Việt Nam, cũng có nhiều Cty thương mại đang âm thầm mua điều thô châu Phi để đầu cơ vì cho rằng cuối năm nay, giá điều thô sẽ tăng cao.

Còn theo ông Tạ Quang Huyên, giá điều thô NK tăng cao, là do tình trạng mất mùa ở khu vực này. Nguồn tin từ một đối tác của Cty Hoàng Sơn 1 ở Bờ Biển Ngà (nước sản xuất và XK điều thô lớn nhất ở châu Phi) cho biết, năm nay, sản lượng điều nước này bị giảm khoảng 100.000 tấn do thời tiết bất lợi.

Chính phủ Benin cũng chuẩn bị họp báo để công bố về việc mất mùa điều. Trong khi đó, các DN Việt Nam lại đổ xô sang châu Phi đặt mua điều thô quá nhiều, và yêu cầu giao hàng tập trung trong tháng 3, tháng 4, khiến cho các nhà cung ứng không đáp ứng được.

Vì thế, điều thô châu Phi đang có một nghịch lý là đầu vụ chất lượng tốt nhưng giá rẻ, đến cuối vụ chất lượng xấu thì giá lại tăng cao.

Tuy còn có những nhận định khác nhau về hiện tượng điều thô châu Phi tăng giá mạnh, nhưng các doanh nhân ngành điều đều hé lộ một nỗi lo chung là tình trạng bị các nhà XK, buôn bán điều thô hủy hợp đồng đã ký.

Theo ông Tạ Quang Huyên, chỉ riêng trong tuần qua, Cty Hoàng Sơn 1 bị các nhà cung ứng điều thô nước ngoài hủy hợp đồng với khối lượng tới 3.600 tấn. Trong đó, ngoài các nhà cung ứng châu Phi, còn có những DN đến từ Singapore (vốn thường được đánh giá cao là có uy tín trong giao dịch, mua bán)…

Trong năm ngoái, đã có 3 DN Việt Nam bị các nhà cung ứng điều hủy hợp đồng với tổng khối lượng 15.000 tấn. Năm nay, nhiều khả năng các DN chế biến điều Việt Nam sẽ bị hủy hợp đồng với khối lượng lớn hơn nhiều.

Nguyên nhân hủy hợp đồng mà các nhà cung ứng đưa ra thường là họ không có loại điều thô đạt chất lượng như đã ký nên yêu cầu DN Việt Nam lấy điều thô có chất lượng thấp hơn, hay họ không thể thu gom được đủ lượng điều thô cần thiết để thực hiện hợp đồng …

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch VINACAS, khuyên rằng, các DN cần thận trọng trong việc NK điều thô vào thời điểm này, vì với mức giá khá cao như hiện nay, sẽ không đảm bảo an toàn về mặt kinh tế khi chế biến thành điều nhân XK.

Các DN cũng không nên vội ký hợp đồng bán điều nhân khi chưa có điều nguyên liệu trong tay. Bởi nếu đã ký bán điều nhân mà điều thô lại bị nhà cung ứng hủy hợp đồng thì DN sẽ không có hàng để giao, qua đó ảnh hưởng lớn đến uy tín của DN nói riêng và ngành điều nói chung.

Ông Thanh cũng đề nghị các DN khi bị nhà cung ứng điều thô hủy hợp đồng, nhất là những hợp đồng với khối lượng lớn, cần phải thông tin về VINACAS để có những phản ứng mạnh mẽ. Còn về mùa vụ điều trên thế giới trong năm nay, phải đến tháng 5, tháng 6, khi các nước sản xuất lớn như Việt Nam, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà … kết thúc thu hoạch, mới biết được chính xác là mất mùa hay không.

Theo ông Nguyễn Đức Thanh, đầu vụ điều 2014-2015, cứ tưởng là nông dân trồng điều Việt Nam sẽ trúng mùa vì đầu vụ sản lượng điều khá tốt. Nhưng khi ra hoa đợt thu hoạch chính vụ, lại gặp phải tiết trời lạnh, số giờ nắng trong ngày ít đã ảnh hưởng lớn đến quá trình thụ phấn. Khi cây điều đậu trái chính vụ, lại bị nắng hạn kéo dài đến tận bây giờ. Do đó, sản lượng điều trong nước vụ này có thể giảm.


Khảo sát nhiều hộ trồng điều ở Bình Phước cho thấy, hộ nào bị giảm sản lượng ít nhất là 5%, những hộ bị giảm nhiều tới vài chục phần trăm. Vì thế, vụ này, Bình Phước có thể mất sản lượng 20-25%, Gia Lai cũng mất khoảng 25% … Tính trên cả nước, sản lượng điều thô có thể giảm 100.000-120.000 tấn so với vụ trước.

Nguồn: Nongnghiep.vn