ECB đã xử lý một cách linh hoạt những hậu quả của cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới tiêu chuẩn, tránh để xảy ra đổ vỡ trong hệ thống ngân hàng châu Âu mà không phải từ bỏ các nguyên tắc hoạt động của mình, tức là không phải hạ thấp các tiêu chuẩn về lạm phát. Tuyệt vời hơn, những biện pháp vốn bị một số người coi là cứng rắn đã không gây trở ngại cho tốc độ tăng trưởng khá nhanh của khu vực đồng euro trong quý I/08, đặc biệt là tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu có mức tăng trưởng ngoạn mục tới 6% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã phải học theo những chính sách của ECB.
Nhưng đó có thể là những ngày tươi đẹp cuối cùng của ECB là trong năm nay, vì chặng đường trước mắt có thể sẽ rất khó khăn. Không ít chuyên gia kinh tế nhận định kết quả tích cực của nền kinh tế châu Âu trong quý I vừa qua là giai đoạn cuối cùng của phép mầu. Quý II và có khả năng là cả những quý sau đó nữa kết quả sẽ rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là tồi tệ.
Châu Âu không thể tránh khỏi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng tác động sẽ diễn ra chậm hơn so với Mỹ. Theo chuyên gia kinh tế Patrick Artus của Ngân hàng đầu tư Natixis: "Các doanh nghiệp Mỹ phản ứng khá nhanh và quyết liệt hơn các doanh nghiệp châu Âu để duy trì năng lực sản xuất và lợi nhuận". Điều này thể hiện khá rõ trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Tới nay các ngân hàng đầu tư châu Âu mới bắt đầu cắt giảm việc làm, trong khi các doanh nghiệp hoạt động tại Phố Uôn đã tiến hành việc này từ giữa năm 2007.
Khó khăn khác của ECB là một số nước trong khu vực đang ở bờ vực của sự sụp đổ, trong đó có Tây Ban Nha, nước đang bị đe dọa bởi bóng bóng bất động sản xì hơi. Cuộc khủng hoảng tại Tây Ban Nha đang có nguy cơ diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến sự cân bằng kinh tế và tiền tệ của khu vực. Bên cạnh đó, BCE cũng phải kiềm chế sự lên giá của các mặt hàng nguyên liệu. Số liệu thống kê chính thức công bố ngày 30/5 cho thấy tỷ lệ lạm phát trong khu vực đồng euro (Eurozone) đã lên đến 3,6%, sau khi đạt 3,3% vào tháng 4, cao gấp đôi mục tiêu mà cơ quan này đề ra. Theo ông Artus, đồng euro tăng giá có tác dụng giảm phát rất mạnh: đồng tiền này cứ tăng giá 10% thì sẽ giảm giá nhập khẩu hàng hóa vào Eurozone từ 5 đến 7%.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam