Theo UNCTAD, cuộc khủng hoảng tài chính và tín dụng trong nửa cuối năm 2007 đã không ảnh hưởng đến tổng vốn FDI. Lợi nhuận công ty tăng và luồng tiền mặt khá dồi dào đã giúp tăng giá trị các vụ sáp nhập và mua bán (M&A) xuyên biên giới (hiện chiếm một bộ phận lớn trong luồng vốn FDI).
Trong năm 2007, Mỹ vẫn là địa chỉ thu hút FDI nhiều nhất với 193 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2006, tuy tốc độ tăng này có chậm hơn so với nhiều nước khác. Trung Quốc là nước nhận được nhiều FDI hơn bất kỳ nước đang phát triển nào với 67,3 tỷ USD, tuy giảm 3,1% so với năm 2006. Nhìn chung, trên một nửa FDI chảy vào các nước đang phát triển (khoảng 224 tỷ USD) là vào các nền kinh tế ở Nam Á, Đông Á, Đông Nam Á và châu Đại Dương. Luồng vốn FDI chảy vào Nga đặc biệt tăng mạnh, tăng 70,3% lên 48,9 tỷ USD.
Tuy nhiên, UNCTAD cũng cảnh báo rằng kinh tế bất ổn và sức ép lạm phát có thể gây tác động tiêu cực lên luồng vốn FDI toàn cầu trong năm 2008. Theo UNCTAD, triển vọng FDI toàn cầu năm 2008 không quá lạc quan trước nguy cơ kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, cũng như tác động của nó đối với kinh tế toàn cầu.

Nguồn: Reuter