(VINANET) – Trong hai ngày hôm nay (22/6) và ngày mai (23/6) nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển (G20) sẽ nhóm họp tại Paris để xem xét những biện pháp ngăn chặn giá lương thực và thực phẩm tăng mạnh ảnh hưởng tới đời sống người dân cũng như nền kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo phối hợp mang tên "Triển vọng Nông nghiệp năm 2011-2020," Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định cộng đồng quốc tế đang đứng trước nguy cơ giá lương thực leo thang và giá hàng hóa trên các thị trường không ổn định.

 Báo cáo cảnh báo trong thập kỷ tới, giá ngũ cốc thực tế có thể tăng trung bình khoảng 20% và giá thịt tăng khoảng 30% so với thập kỷ 2001-2010. Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf nhấn mạnh giá cả biến động có thể tiếp tục diễn ra trên các thị trường nông phẩm.

Do đó, chính phủ các nước cần tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển khu vực nông thôn và áp dụng các chính sách thích hợp khác để giảm bớt tính không ổn định và các tác động tiêu cực của giá nông phẩm.

Đây cũng sẽ là nội dung chính tại kỳ họp hội nghị bộ trưởng nông nghiệp đầu tiên của G-20 lần này, với trọng tâm của kế hoạch hành động toàn cầu nói trên là việc thành lập một hệ thống thông tin thị trường nông nghiệp để theo dõi lượng lương thực, nhằm tăng cường sự minh bạch và ổn định trên các thị trường lương thực thế giới.

Những biện pháp khác là việc thành lập một hệ thống dự trữ lương thực nhân đạo khẩn cấp, do Chương trình Lương thực thế giới (WFP) quản lý, nhằm giảm nhẹ sự biến động và đảm bảo rằng các cộng đồng dễ bị tổn thương có thể nhanh chóng tiếp cận được lương thực.

 Các bộ trưởng nông nghiệp G-20 cũng sẽ cam kết hủy bỏ những quy định hạn chế xuất khẩu lương thực và các khoản thuế đặc biệt đối với những hợp đồng mua lương thực vì mục đích nhân đạo, phi thương mại, đồng thời ủng hộ việc có những quy định quản lý tốt hơn các thị trường nông sản giao sau và phái sinh.

Các bộ trưởng nông nghiệp G20 sẽ hối thúc các bộ trưởng tài chính của Nhóm kiểm soát hoạt động đầu cơ hàng nông sản bằng cách thông qua các quy định khắt khe hơn đối với các thị trường nông sản phái sinh. Dự thảo cũng kêu gọi các bộ trưởng tài chính G20 áp đặt giới hạn giao dịch đối với các thị trường kỳ hạn, nhằm hạn chế số lượng mà các nhà đầu cơ có thể đặt cược giá lương thực lên hay xuống.

Dự thảo cuộc họp của G20 có đề cập tới kế hoạch chia sẻ thông tin thị trường thông qua cơ sở dữ liệu chung mang tên Hệ thống Thông tin Thị trường Nông sản (AMIS) được đặt tại Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO). Các nước không thuộc G20 và các công ty thuộc khu vực tư nhân được khuyến khích tham gia cơ sở dữ liệu bằng cách cung cấp chi tiết về dự trữ và sản lượng lúa mì, ngô, đậu tương và gạo. Hệ thống dữ liệu sau đó sẽ được mở rộng sang các loại lương thực khác. Dữ liệu từ AMIS sẽ được sử dụng để giúp xây dựng các chính sách giải quyết khủng hoảng lương thực. G20 nhất trí rằng quản lý rủi ro của biến động giá lương thực tại các nước phát triển và đang phát triển sẽ có đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp dài hạn.

Đầu năm nay giá lương thực toàn cầu đã tăng mạnh do giá ngũ cốc tăng, làm dấy lên quan ngại về an ninh lương thực và sức ép lạm phát, nhất là ở các nước đang phát triển. Cho dù sau đó giá cả đã dịu xuống, nhưng trong tháng 5 giá lương thực vẫn tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.

(T.H – Reuters)