Hợp đồng giao tháng 5/08 giá tăng 38 US cent so với ngày hôm trước đạt 22,55 USD/cwt, vượt mức cao kỷ lục trước đây là 21,90 USD/cwt. Hợp đồng kỳ hạn tháng 7 giá cũng tăng 37 1/2 US cent lên kỷ lục cao 22,87 USD/cwt. Trong ngày, có lúc hợp đồng giao tháng 5 tăng giá gới 22,85 USD, còn kỳ hạn giao tháng 7 tăng tới 23,20 USD, những kỷ lục cao của mọi thời đại.
Nhiều nước châu Á hạn chế xuất khẩu và nhu cầu mạnh trên toàn cầu đang hỗ trợ giá gạo Mỹ.
Trên thị trường châu Á, gạo 100% B của Thái Lan đã tăng tới 900-960 USD/tấn, gạo 5% tấm tới 850-910 USD/tấn còn gạo 100% sấy giá 860-920 USD/tấn, FOB Bangkok. Gạo 5% tấm của Việt nam giá vững ở mức cao 750 USD/tấn. So với cùng kỳ năm trước, giá chào bán gạo Thái Lan tăng 143-152% (450-470 USD/tấn), của Việt Nam tăng 128-133% (350-400 USD/tấn).
Nguồn cung gạo tiếp tục hạn chế từ các nước xuất khẩu lớn châu Á. Tại Thái Lan, giá thóc gạo nội địa đã tăng kỷ lục, đồng Baht tăng quá nhanh so với USD. Các nhà xuất khẩu Thái Lan hiện không muốn ký hợp đồng mới. Tại Ấn Độ, nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Chính phủ đã chỉ thị tạm ngừng ký kết các hợp đồng mới về xuất khẩu gạo.
Cung giảm, cầu tăng cao là nguyên nhân chủ yếu làm giá gạo tăng kỷ lục. Nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn có xu hướng tăng từ châu Á, Trung Đông, châu Phi. Hiện cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) đang chuẩn bị mở thầu, nhập khẩu 500.000 tấn gạo vào tháng 5/2008. Các nhà nhập khẩu Bangladesh, Iran hiện cũng tìm kiếm hợp đồng nhập khẩu gạo.
Các thương gia dự báo cái mốc giá 100 USD/tấn với gạo Thái lan không còn xa nữa.
Ngày 5/5, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippine (NFA) sẽ tiến hành đấu thầu để mua 500.000 tấn gạo. NFA dự định mua gạo 25% tấm, kỳ hạn giao tháng 5 đến tháng 6/2008. Những nguồn cung cấp khả năng bao gồm Thái lan, Việt nam, Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ, Australia và Mỹ. Tuy nhiên, cuộc đấu thầu này sẽ chỉ dành cho các chính phủ, nghĩa là các thương gia và nhà xuất khẩu tư nhân không được phép chào bán.
Song Chủ tịch Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu gạo Thái lan, Chookiat Ophaswongse, cho rằng chưa chắc các nhà cung cấp quốc doanh của Thái lan sẽ có thể cung cấp một phần trong tổng nhu cầu của Philippine, bởi nguồn cung ở đây đang quá eo hẹp. Theo ông, Việt Nam có thể cung cấp gạo cho Philippine bởi đang thu hoạch lúa. Chính phủ Thái lan hiện chỉ có 2,1 triệu tấn gạo dự trữ, và chưa chắc sẽ xuất gạo này ra.
Giao dịch gạo tại Việt nam tiếp tục giới hạn ở thực hiện những hợp đồng đã ký. Nguồn cung vẫn khan hiếm dù đang vụ thu hoạch. Các nhà cung cấp tư nhân vẫn bị cấm ký hợp đồng xuất khẩu mới cho đến giữa tháng 6. Tuy nhiên, sẽ có một số nhà cung cấp quốc doanh của Việt nam tham gia cuộc đấu thầu của Philippine.
Giá gạo toàn cầu gần đây liên tục tăng mạnh bởi các nước xuất khẩu lớn, trong đó có Ai Cập, Việt nam và Ấn Độ, đặt ra những hạn chế xuất khẩu để bảo đảm nguồn cung nội địa. Tình hình cung gạo khan hiếm trên toàn cầu đã lôi cuốn sự chú ý của toàn thế giới, trong nỗi lo ngại về giá thực phẩm tăng.
Chính phủ Indonexia thông báo sẽ chưa cho phép xuất khẩu gạo chừng nào dự trữ gạo quốc gia chưa đạt 3 triệu tấn. Tuy nhiên, theo các thương gia, tính đến cuối năm nay, nước này cũng chỉ dư thừa khoảng 1,2 triệu tấn gạo.
Guinea đã cấm xuất khẩu bất kỳ một loại thực phẩm nào, trong khi chính phủ Philippine tạm thời dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp sang các mục đích khác.
Thời tiết ở Ấn Độ đang diễn biến thuận lợi, đem lại hy vọng một vụ mùa bội thu, kể cả lúa gạo.
Giá gạo thế giới:

Gạo Thái lan
100% B
FOB Băng Cốc
900-960
USD/T
5%
850-910
USD/T
 
Gạo sấy 100%
860-920
USD/T
Gạo Việt nam
5% tấm
FOB cảng Sài gòn
750
USD/T
gạo Mỹ
gạo thô
kỳ hạn tháng 5/08
22,55
USD/cwt
 

Nguồn: Vinanet