Giá lương thực toàn cầu đang dần chững lại, báo hiệu tin tốt lành cho các chính phủ châu Á khi họ phải trợ cấp nhiều hàng hóa.

Tin về nhà tỉ phú George Soros, chủ tập đoàn Soros Quantum Fund đã bán gần 800 triệu USD cổ phiếu vàng của mình hồi đầu tuần vừa qua như là một tín hiệu cho việc khủng hoảng giá lương thực đang dần kết thúc.

Đối với hàng trăm triệu người trên toàn thế giới sống với mức thu nhập ít hơn 2 USD/ngày thì đây quả thực là một tin mừng, cho dù tại thời điểm này, giá vẫn đang chững chứ chưa hẳn là giảm xuống. Các nhà kinh tế dự báo một sự thay đổi mạnh mẽ về giá cả hàng hóa sẽ diễn ra trong 3 tháng tới.

Đây cũng là tin tốt lành cho một số chính phủ khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, Thái Lan, Philippine và Malaysia khi họ phải trợ cấp rất nhiều hàng hóa.

Giá cả lương thực dần chững lại cũng là do điều kiện để kinh tế thế giới hồi phục. Bong bóng vàng và bạc đã vỡ, không thể khuyến khích các nhà đầu cơ theo chân ông Soros.

Cho đến tháng 3, giá lương thực toàn cầu đã tăng 8 tháng liên tiếp với mọi mặt hàng đều tăng giá (trừ đường), theo dự báo của Tổ chức Nông nghiệp và Thực phẩm Liên Hợp Quốc. Tổ chức này cũng dự báo rằng, với nhu cầu ngày càng tăng nhưng năng suất sản xuất ngũ cốc thế giới lại giảm trong năm 2010, dự trữ ngũ cốc toàn cầu năm nay dự kiến sẽ giảm mạnh.

Tuy nhiên, đầu tháng 5 vừa qua, FAO đã báo cáo, sản xuất ngũ cốc dự kiến sẽ tăng vào năm 2011 khi gieo trồng mở rộng và thời tiết dần ổn định hơn. FAO kỳ vọng sản xuất lúa mì tăng 3,5%; gạo tăng 3%.

Ông Jonathan Anderson, chuyên gia phụ trách thị trường mới nổi của Ngân hàng USB cho rằng: "Giá lương thực có thể cao nhưng sẽ không tăng nữa. Thực tế, chỉ số nông nghiệp toàn cầu đã giữ nguyên kể từ đầu năm và đã giảm xuống trong vài tuần vừa rồi". Nhóm nghiên cứu của UBS tin rằng giá cả sẽ tiếp tục thay đổi mạnh trong 3 tháng tới.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ dự báo mức thu hoạch ngũ cốc kỷ lục trong năm nay. Trung Quốc công bố năm thứ 8 liên tiếp đạt thu hoạch kỷ lục và Ấn Độ dự đoán sẽ đạt kỷ lục thu hoạch và đưa đất nước trở thành nước xuất khẩu mạnh.

Sản xuất lúa gạo toàn cầu cũng tăng nhanh hơn lượng cầu kể từ vụ mùa năm 2004-2005, đây là năm thứ 7 liên tiếp có thặng dư sản xuất khi nhu cầu về gạo tăng trung bình có 1,1% hàng năm trong suốt 10 năm qua. Sản lượng đậu tương dự kiến sẽ tăng 4,1% hàng năm.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa người nghèo sẽ có cuộc sống tốt hơn rất nhiều. Giá cả sẽ ảnh hưởng đến thói quen của người tiêu dùng khi các nhà sản xuất luôn lợi dụng việc giảm giá từ các nhà buôn để làm giàu cho mình.

(Gafin)