Báo cáo dự đoán tình hình tăng trưởng kinh tế châu Âu 2008 của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy một bức tranh hết sức ảm đạm về nền kinh tế Italia, theo đó dự đoán tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Italia trong năm 2008 chỉ tăng trưởng 0,7%, bằng 50% so với mức dự đoán tăng 1,4% đưa ra hồi tháng 11/07.
Mức tăng trưởng trên là thấp nhất trên toàn khu vực châu Âu, nhân chủ yếu là do nền kinh tế Italia đã chững lại từ hơn một năm nay do suy thoái, với chỉ số lạm phát tăng cao và đang chịu tác động xấu từ giá dầu tăng đến mức kỉ lục. Giá xăng trên thị trường Italia đã lên tới 1,4 euro/lít trong tuần trước, mứccao nhất trong lịch sử và cũng cao hơn tất cả quốc gia châu Âu khác. Chủ tịch nghiệp đoàn giới chủ Italia, Luca Cordero di Montezemolo, cho rằng nền kinh tế Italia sẽ còn suy thoái nhiều hơn nữa nếu như giá dầu vẫn tiếp tục ở trên mức 90 USD/thùng như hiện tại. GDP của Italia trong năm 2007 tăng trưởng 1,8%, thấp hơn dự đoán 0,1%.
Chỉ số lạm phát của Italia trong tháng 1/08 là 2,9%, mức cao nhất kể từ 8 năm qua, trong khi một báo cáo do cơ quan thống kê nhà nước Italia (ISTAT) mới công bố cho biết chỉ số giá của các loại lương thực, siêu thị, năng lượng và giá dịch vụ trong các quán ăn ở Italia đã tăng trung bình 4,8% trong tháng 2/08, mức cao nhất trong 11 năm qua. Trong 2 tháng qua, hầu hết nhu yếu phẩm ở Italia đều tăng cao hơn dự kiến, trong đó giá bánh mì và sữa tăng lần lượt 12,3% và 8,7% so với cùng kỳ năm 2007, trong khi giá thịt tăng 3,6% và giá dầu điêden tăng 15,7%. Trong giai đoạn này, chỉ có giá thuốc và dịch vụ viễn thông của Italia giảm lần lượt 3,9% và 12,4% so với cùng kỳ năm 2007.
Các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ở Italia đã lên tiếng cảnh báo tình trạng giá cả leo thang nhanh chóng sẽ càng làm cho cuộc sống của người dân Italia thêm khó khăn. Các dự đoán của họ cho hay, trong năm 2008, mỗi hộ gia đình Italia có thể sẽ phải chi thêm 1.000 euro để được hưởng mức sống tương đương năm 2007. Trong khi đó, một loạt nghiệp đoàn của công nhân đã đe doạ sẽ tiến hành tổng bãi công trên cả nước nhằm đòi hỏi tăng lương để khỏi rơi vào tình trạng kiệt quệ về tài chính trong hoàn cảnh kinh tế khủng hoảng.
Chủ đề kinh tế đang là vấn đề nóng trong các cuộc tranh luận của các ứng cử viên thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 13 và 14/4 tới. Cả ứng cử viên cánh hữu là Silvio Berlusconi và Walter Veltroni đều tuyên bố giảm thuế và tăng lương cho người lao động là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình tranh cử của họ.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam