Năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trên địa bàn TPHCM ước đạt 12,5%, trong đó khu vực dịch vụ tăng trên 14,1%. Đây là năm kinh tế TP có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Cơ cấu kinh tế và nội bộ các ngành kinh tế đang chuyển dịch theo đúng mục tiêu quy hoạch.

Cũng trong năm này, nhiều phái đoàn chính phủ và doanh nghiệp (DN) từ nhiều nước đến thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác làm ăn với TPHCM. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2007 đã đạt 2,5 tỷ USD, đưa TPHCM thành 1 trong 3 tỉnh - thành thu hút vốn FDI cao nhất nước. Về du lịch, lượng khách nước ngoài đến TP đã đạt 2,7 triệu lượt, chiếm 70% tổng du khách đến VN trong năm 2007.

Đây cũng là năm các DN của TP như Saigon Co.op, MaxiMark, Satra... đẩy mạnh hệ thống bán lẻ của mình và bắt tay với các DN trong nước để chiếm lĩnh thị phần. Mô hình sản xuất – trực tiếp phân phối thông qua hệ thống cửa hàng tự chọn đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người tiêu dùng bởi chất lượng hàng hóa và giá cả cạnh tranh như các cửa hàng thực phẩm của Vissan, APT, Kinh Đô; quần áo Vinatex, may Phương Đông, Việt Thy; giày dép của Vina Giày, Biti’s, Hồng Anh… Tất cả điều này cho thấy bức tranh kinh tế của TP trong năm 2007 cực kỳ sôi động, tạo đà phát triển trong năm 2008.

Bên cạnh những thành tựu về tăng trưởng, kinh tế TP còn những tồn tại, yếu kém trong công tác điều hành. Theo một chuyên gia kinh tế, có 2 nguyên nhân chính. Về khách quan, 10 nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao trong cơ cấu xuất khẩu của nước ta hiện nay lại không phải thế mạnh của TP (dầu khí, thủy hải sản, gạo, cà phê, cao su, may mặc…). Về chủ quan, TP chậm xây dựng và thực hiện chương trình xuất khẩu dựa trên tiềm năng nội lực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các chương trình hội nhập nêu trên đều triển khai chậm, cơ cấu xuất khẩu chưa có chuyển biến đáng kể, tăng trưởng chưa bền vững.

Trong lĩnh vực đầu tư, mặc dù nguồn vốn FDI, ODA… đổ vào TPHCM khá lớn, nhưng khả năng hấp thụ còn rất yếu. Theo khuyến cáo của ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại VN, TPHCM cần phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án có vốn tài trợ.

Theo UBND TPHCM, sang năm 2008, TP sẽ quyết liệt triển khai các biện pháp để từng bước giải quyết những tồn tại.

Trước mắt, TP sẽ tập trung thực hiện và hoàn tất một số dự án trọng điểm như cầu Thủ Thiêm; đại lộ Đông Tây dài 18 km với 12 làn xe; xa lộ Hà Nội – Cát Lái; đưa vào sử dụng cầu Phú Mỹ nối đại lộ Nguyễn Văn Linh với khu Nam Sài Gòn; triển khai xây dựng các tuyến metro số 1 và 2.

TP cũng đang hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại theo các tiêu chí quốc tế để thu hút các tập đoàn kinh tế quốc tế lớn đầu tư; xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính, thương mại hiện đại; xây dựng đô thị cảng Hiệp Phước gắn với dịch vụ cảng biển thương mại quốc tế.

Song song đó, TP đang xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ DN chuyển dịch cơ cấu đầu tư phù hợp với các quy định của WTO, tập trung giải quyết các vấn đề gây trở ngại cho sự phát triển của DN và nâng cao sức cạnh tranh như: quy trình và thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư - kinh doanh của DN, cải thiện hạ tầng và dịch vụ đô thị, mở rộng không gian đô thị, không gian kinh tế của TP, đào tạo nguồn nhân lực và kiểm soát giá đất đai.

6 chỉ tiêu phát triển kinh tế TPHCM năm 2008

- Tổng sản phẩm trong nước GDP tăng 12,7% - 13%. GDP bình quân đầu người 2.500 USD.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 15%.

- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 97.500 tỷ đồng, bằng 35% GDP.

- Thu ngân sách trên địa bàn đạt 98.000 tỷ đồng, tăng 17,54% so với năm 2007.

- Chi ngân sách địa phương: hơn 18.500 tỷ đồng, bằng 82,4% so với ước thực hiện năm 2007.

- Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

(UBND TPHCM)

Nguồn: Vinanet