(VINANET) – Tâm điểm chú ý của thị trường năng lượng và kim loại thế giới tuần qua là cuộc họp của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và tín hiệu tăng lãi suất của khu vực đồng tiền chung Châu Âu.

Thị trường đã kỳ vọng OPEC sẽ quyết định tăng sản lượng dầu mỏ theo đề xuất của Arập Xêút, và điều đó đã khiến dầu liên tục rớt giá trong những phiên đầu tuần. Nhưng kết quả đã không như dự đoán, OPEC quyết định giữ nguyên sản lượng, khiến hàng hoá đồng loạt tăng giá mạnh theo dầu mỏ vào những phiên cuối tuần.

Vàng tăng giá trong tuần qua bất chấp USD tăng giá. Dầu mỏ cũng tăng mạnh. Khí thiên nhiên tiếp tục đà tăng giá bởi thời tiết nóng hơn bình thường khiến nhu cầu điện gia tăng. Đồng biến động trái chiều giữa hai thị trường London và New York bởi lo ngại về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc do chính sách thắt chặt tiền tệ và nhập khẩu kim loại đỏ giảm sút.

Dầu gần cao kỷ lục trong tháng

Kết thúc tuần, giá dầu lập kỷ lục cao gần 1 tháng tại New York, đem lại một tuần tăng giá mạnh nhất trong vòng 4 tuần, sau khi thâm hụt thương mại của Mỹ giảm ngoài dự kiến và OPEC quyết định giữ nguyên mức hạn ngạch cũ bất chấp đề xuất của 4 nước thành viên.

Giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York, kỳ hạn tháng 7, tăng 1,6% trong tuần qua, và tăng 35% trong một năm qua, kết thúc tần ở mức 100,64 USD/thùng. Dầu Brent cùng kỳ hạn tại London tăng 27% trong một năm qua mặc dù giảm trong tuần qua.

Sáng nay 13/6, thị trường dầu WTI New York biến động mạnh, giảm xuống 98,70 USD/thùng trước khi hồi phục nhẹ lên 98,70 USD/thùng. Trái lại, dầu Brent tại London tăng mạnh trở lại mức 118,87 USD, bằng mức giá của 10 ngày trước đây.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết xuất khẩu kỷ lục cao trong tháng 4 đã giúp giảm thâm hụt thương mại đi 6,7% xuống 43,7 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12.

Lần đầu tiên trong vòng ít nhất 20 năm, ngày 8/6, OPEC đã không thể đạt được sự đồng thuận.

Arập Xêút nằm trong số những nước sản xuất dầu bất bình với tình trạng giá cao, bởi điều đó có thể làm giảm nhu cầu năng lượng cũng như tăng trưởng kinh tế của toàn cầu, nên đã đề xuất nâng sản lượng lên 30,3 triệu thùng/ngày, từ mức thực tế 29 triệu thùng hiện nay. Tuy nhiên, 6 thành viên khác của nhóm 12 quốc gia phản đối kế hoạch này, bởi cho rằng giá sẽ chỉ tăng trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, Arập Xêút cho biết sẽ tăng sản lượng dầu lên 10 triệu thùng/ngày trong tháng 7 tới.

Giám đốc điều hành công ty Commodity Broking Services Pty ở Sydney dự báo giá dầu trung bình năm nay sẽ ở mức 100 USD/thùng.

Khí gas tăng tuần thứ 3

Khí thiên nhiên tại New York đã tăng tuần thứ 3 liên tiếp bởi dự báo thời tiết ở khu vực từ Trung Tây tới bờ Đại Tây Dương nước Mỹ tháng này nóng hơn bình thường, sẽ đẩy tăng nhu cầu điện từ các nhà máy, bao gồm cả các nhà máy điện chạy bằng khí gas.

Kết thúc tuần, khí kỳ hạn tháng 7 giá 4,757 USD/mBtu, tăng 1,1% trong tuần và tăng 8% từ đầu năm tới nay.

Vàng tiếp tục tăng

Vàng tăng giá tuần thứ 4 liên tiếp do lo ngại vấn đề nợ công ở Châu Âu chưa sớm được giải quyết và tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại. Bạch kim cũng lên mức cao kỷ lục 1 tháng.

Kết thúc tuần qua, vàng giao ngay ở mức 1534,39 USD/oz, trong khi vàng kỳ hạn ở mức 1533,84 USD/ounce, và tiếp tục duy trì ở mức giá này vào phiên giao dịch sáng nay, 13/6.

Trong vòng một năm qua, vàng đã tăng giá 27% và đạt kỷ lục cao 1.577,57 USD/ounce vào hôm 2/5.

Dự báo giá vàng tuần này sẽ ở mức khoảng 1.530 USD-1.550 USD/ounce bởi USD yếu thế trước tiên đoán ECB sẽ tăng lãi suất đồng Euro trong khi Mỹ vẫn giữ lãi suất ở mức thấp gần kỷ lục 0 đến 0,25% kể từ tháng 12/2008, song nhu cầu mua sẽ không mạnh đến mức đẩy gía tăng nhiều vì khách hàng đang chờ đợi giá xuống dưới mức 1.530 USD/ounce.

Bạc tăng giá khoảng 3,3% trong tuần qua sau khi giảm 4,6% trong tuần trước. Các nhà phân tích vẫn lạc quan về thị trường này.

Bạch kim đã lập kỷ lục cao nhất từ 4/5 trong tuần qua. Palađi tăng 4,2% trong tuần. Cả 2 kim loại này đều đã tăng giá 4 tuần liên tiếp.

Kim loại cơ bản

Giá đồng tuần qua đồng loạt giảm trên hai thị trường giao dịch chủ chốt là London và New York. Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế thế giới, nhất là Mỹ, đang tác động xấu lên thị trường đồng.

Tính chung trong tuần qua, giá đồng tại New York mất 1,9%, là tuần thứ 2 liên tiếp giảm.

Sau 3 tháng liên tiếp giảm, đồng đã mất giá 6% từ đầu năm tới nay tại London, đặc biệt chịu ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tín dụng của Trung Quốc.

Nhập khẩu đồng thô và sơ chế vào Trung Quốc đã giảm 3% trong tháng 5, xuống khi giảm 13,7% trong tháng 4, do dự trữ cao.

Giá hàng hóa thế giới:

Hàng hóa

ĐVT

Giá 13/6

Giá 4/6

Dầu thô WTI

USD/thùng

 98,70

99,31

Dầu thô Brent

 USD/thùng

118,87

118,83

Khí thiên nhiên

 USD/gallon

4,794

4,757

Vàng giao ngay

 USD/ounce

1534,39

1528,60

Vàng kỳ hạn

USD/ounce

1533,84

1531,69

Dollar

 

 74,311

 74,801

CRB

 

347,900

348,040

Ngô Mỹ

 US cent/bushel

766,50

787,00

Đậu tương Mỹ

 US cent/bushel

 1407,00

 1387,25

Lúa mì Mỹ

US cent/bushel

769,75

759,25

Cà phê Mỹ

 US cent/lb

 261,25

 264,95

Cacao Mỹ

USD/tấn

2904,00

2997,00

Đường Mỹ

US cent/lb

23,52

25,64

Bạc Mỹ

 USD/ounce

 36,27

 36,327

Bạch kim Mỹ

USD/ounce

1817,80

1833,00

Palladium Mỹ

USD/ounce

 768,40

 815,70

Đồng Mỹ

US cent/lb

 408,45

 405,60

Đồng LME

USD/tấn

 8948,25

 8940,00

(T.H – Tổng hợp từ Reuters)