Cty An Cơ Caluky ở đường Võ Thị Sáu Quận 2, TPHCM, đã chấp nhận bỏ ra khoản tiền lương cao gấp nhiều lần thuê lao động Việt Nam để trả cho thợ cắm hoa người Philippines để cạnh tranh và phát triển ngành kinh doanh bình hoa, hoa quả. Theo công ty, họ đã thuê khá nhiều người Việt nhưng làm không hiệu quả nên phải thuê lao động nước ngoài  (LĐNN) đảm trách việc cắm hoa, thẩm định bình hoa. Tuy phải trả chi phí cao nhưng bù lại, hiệu quả kinh doanh mà công ty đạt được tốt hơn.
Không chỉ có các công ty, doanh nghiệp lớn cần tuyển quản trị viên cao cấp, chuyên gia, kỹ sư giỏi là người nước ngoài, mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang cần tuyển lao động “ngoại” có trình độ tay nghề, kỹ thuật cao, có kinh nghiệm và kỹ năng chuyên sâu mà nguồn nhân lực trong nước chưa đáp ứng. Những lĩnh vực, ngành nghề đang thu hút nhiều LĐNN hiện nay là giáo dục đào tạo, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, công nghệ cao, luật, địa ốc, xây dựng…
Đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc, xây dựng, nhiều công ty đang có xu hướng tuyển lao động người nước ngoài. Thời gian gần đây, cùng với việc đưa vào sử dụng nhiều căn hộ, văn phòng cao cấp, một số công ty địa ốc có tên tuổi ở VN đều thuê hàng chục LĐNN vào các vị trí giám đốc điều hành, quản lý là người nước ngoài.
Trong năm 2007, riêng ở TPHCM đã cấp gần 1.800 giấy phép cho LĐNN, tăng 35,6% so với năm 2006, trong đó ngành nghề giày da, may mặc, giáo dục đào tạo, công nghệ cao chiếm số đông. Các quốc tịch chiếm số nhiều là Trung Quốc, Nhật Bản. Hiện nay, cả nước có trên 40.000 LĐNN đang làm việc tại VN được cấp giấy phép lao động. Trên thực tế, con số này lớn hơn nhiều. Theo Vụ Trưởng Vụ Lao động-Việc làm, Bộ LĐTB-XH đã có tờ trình Chính phủ về việc sửa đổi quy định cấp giấy phép cho LĐNN ở các doanh nghiệp. Theo đó, quy định mới không khống chế tỷ lệ cấp giấy phép cho LĐNN là 3% mà cho phép các doanh nghiệp trong nước được tuyển LĐNN theo nhu cầu nếu lao động VN chưa có đủ khả năng đáp ứng.
Sau hơn 1 năm gia nhập WTO, thị trường lao động Việt Nam cũng có nhiều biến động và áp lực thiếu hụt nguồn nhân lực trung cao cấp ngày càng gay gắt hơn. Tuy nhiên, từ bước ngoặt mở rộng cửa với nền kinh tế thế giới, có thêm nhiều kênh để LĐNN vào VN làm việc đông hơn. Cụ thể là có nhiều nhóm đối tượng vào VN làm việc dưới dạng di chuyển nội bộ (từ công ty mẹ sang các công ty con làm việc); nhóm chào bán, cung cấp dịch vụ về kỹ thuật, chất liệu mới, công nghệ cao hoặc các sản phẩm, mặt hàng mới nào đó…
Giám đốc Công ty Phát triển nguồn nhân lực NetViet cho biết, ngày càng có nhiều ứng viên là người nước ngoài đăng ký tìm việc làm ở VN, trong đó chiếm khá đông lao động ở khu vực Đông Nam Á.
Có một thực tế đáng lưu ý là chúng ta cũng đang phải chịu phần thiệt khi xuất khẩu lao động “thô”- trình độ thấp, không nghề chỉ để thu về nguồn ngoại tệ nhỏ, trong khi đó lại phải nhập khẩu lao động có hàm lượng chất xám, kỹ năng cao và phải trả chi phí cao ngất ngưởng. Từ xu hướng tuyển dụng mới này, một số chuyên gia về lao động của VN cảnh báo rằng nếu không gấp rút chuẩn bị nguồn vốn nhân lực được đào tạo bài bản, có kỹ năng thực hành chuyên sâu, có khả năng tạo ra những sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao - đáp ứng nhu cầu hội nhập với nền kinh tế thế giới thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà.
(NLD)
 

Nguồn: Vinanet