Với diện tích 1664 km2, dân số 1,7 triệu người, Hải Dương có trên 1000 di tích được xếp hạng, trong đó có 142 di tích được xếp hạng quốc gia, có di tích được xếp hạng đặc biệt của quốc gia như Côn Sơn – Kiếp Bạc; với những lễ hội truyền thống gắn với các phong tục cổ xưa; Hải Dương có nhiều di tích gắn liền với tên tuổi của các vị anh hùng, danh nhân văn hóa như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Tuệ Tĩnh…

Bên cạnh tài nguyên du lịch nhân văn, Hải Dương cũng có thắng cảnh, rừng núi hang động, sông hồ kỳ thú được du khách yêu mến như: Côn Sơn – Phượng Hoàng, An Phụ - Kính Chủ, rừng hồ Bến Tắm, Đảo Cò Chi Lăng Nam…

Bên cạnh đó, Hải Dương có nhiều làng nghề truyền thống, nổi tiếng trong và ngoài nước như: bánh đậu xanh Hải Dương, chạm khắc gỗ Đông Giao, vàng bạc Châu Khê, gốm Chu Đậu, gốm sứ Cậy… Đặc biệt, gốm Chu Đậu và gốm sứ Cậy đã được Cục Di sản văn hóa – Cộng đồng Bỉ nói tiếng Pháp đưa vào danh sách các điểm ưu tiên trong dự án “Hành trình văn hóa làng nghề thủ công truyền thống”.

Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch của Hải Dương ngày càng được tăng cường với nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 91 cơ sở lưu trú đủ tiêu chuẩn kinh doanh du lịch với 1650 phòng, 20 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch, 17 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành và 16 điểm dừng chân du lịch phục vụ nhu cầu ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm cho du khách trong nước và quốc tế , nổi bật nhất của Hải Dương là Sân golf quốc tế Ngôi sao Chí Linh.

Một lợi thế khá lớn của du lịch Hải Dương là có mối quan hệ về vị trí địa lý với các trung tâm du lịch lớn của vùng, của cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh…

Thực tế, mặc dù những năm gần đây du lịch Hải Dương có bước chuyển biến mạnh và thu được những kết quả nhất định về kinh tế, song còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Năm 2005, Hải Dương đón được 60 nghìn lượt khách, doanh thu đạt 300 tỷ đồng. Năm 2007 đạt con số trên 82 nghìn lượt khách và doanh thu khoảng 465 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch Hải Dương cho biết, cơ sở vật chất kỹ thuật của địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Quy mô và chất lượng các dịch vụ còn hạn chế, hoạt động kinh doanh phần lớn mang tính nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp; nguồn nhân lực thiếu và yếu… Một yếu tố quan trọng khiến cho việc khai thác tiềm năng du lịch của địa phương còn hạn chế chính là Hải Dương chưa tận dụng được những lợi thế so sánh và lợi thế nhờ quy mô của mình trong sự hợp tác, liên kết với các tỉnh lân cận, các trung tâm du lịch lớn để phát triển du lịch. Sự liên kết sẽ hạn chế những nhược điểm trong du lịch của mỗi địa phương đồng thời khai thác được những nét đặc trưng của địa phương đó. Khi liên kết, các địa phương có thể dựa vào thế mạnh về du lịch của các tỉnh lân cận để phát triển du lịch của mình đồng thời, đẩy mạnh du lịch của khu vực. Bởi du lịch là một ngành dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng cao.

Trong thời gian qua, du lịch Hải Dương cũng bước đầu có sự liên kết với các tỉnh lân cận song mới chỉ dừng lại ở sự liên kết trong lĩnh vực nhà nước, chưa đi vào hành động cụ thể như: mối quan hệ về sản phẩm du lịch, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp…

Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh là ba địa phương có sự liên kết khá tốt trong khai thác và phát triển du lịch. Hiện nay, đây là những hạt nhân quan trọng trong sự liên kết vùng du lịch Bắc Bộ, và mỗi địa phương trong vùng là những thành tố góp phần đẩy mạnh hơn nữa sự gắn kết bền vững. Hải Dương cần chủ động trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực, giới thiệu các điểm du lịch nổi tiếng, các sản phẩm du lịch đặc thù của mình đồng thời xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá hiệu quả để tham gia cùng các địa phương khác mở rộng điểm đến trong tuyến du lịch. Làm được điều này, lượng khách sử dụng tour liên tỉnh sẽ cao hơn theo đó các dịch vụ tại nhiều địa phương cũng thu được lợi nhuận kinh tế tốt hơn. Việc phát triển du lịch Hải Dương trên cơ sở tăng cường liên kết giữa các tỉnh phụ cận và các trung tâm du lịch lớn của vùng sẽ là giải pháp tốt để tạo tuyến liên hoàn trong phát triển du lịch của cả vùng.

(ĐCSVN)

 

Nguồn: Vinanet