Tình hình đã thay đổi
Theo mạng tin tình báo phân tích và tư vấn kinh tế EIU, những nước có tỷ lệ lạm phát cao như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Rumani đang phải chứng kiến đồng nội tệ rớt giá thê thảm từ đầu năm đến nay. Trong 3 tháng đầu năm nay, đồng nội tệ của Rumani giảm giá gần 10% so với đồng euro. Đồng rand của Nam Phi mất giá gần 20% so với đồng USD, còn đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ trượt giá 14% trong khi đồng krona của Aixơlen giảm tới 30% so với đồng euro trong 5 tháng đầu năm. Lạm phát cao và nhu cầu cao về ngoại tệ là thủ phạm chính gây ra tình trạng đồng nội tệ bị sụt giá này. Việc đồng USD mất giá so với các đồng tiền chủ chốt khác và việc đồng bảng Anh gần đây mất giá so với đồng USD và euro cũng là nhân tố đẩy lạm phát lên cao hơn nhiều so với chỉ tiêu mà các chính phủ đề ra.
Từ giữa năm 2007 trở về trước, khi lạm phát leo lên mức tương đối cao, các thị trường tài chính thường mua vào một đồng tiền nào đó, dựa trên cơ sở lãi suất trên danh nghĩa sẽ cao tương ứng và có thể còn tăng tiếp. Từ giữa năm 2007 đến nay, nhất là kể từ đầu năm, tình hình đã khác trước. Thị trường đã thay đổi quan điểm vốn cho rằng giải quyết lạm phát là vấn đề riêng của các ngân hàng trung ương.
Có hai lý do dẫn đến sự thay đổi này. Trước hết, giá hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực thiết yếu tăng vọt kéo theo cơn sốt giá tiêu dùng trên toàn cầu. Cơn bão giá đó tác hại đặc biệt nghiêm trọng đến các thị trường mới nổi, nơi mà lương thực chiếm phần lớn thu nhập của người tiêu dùng. Thứ hai, để đối phó với cơn hoảng loạn tại các thị trường tài chính thế giới, các ngân hàng trung ương - dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - đã nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc giảm lãi suất và rót tiền vào thị trường.
Cảnh báo những rắc rối trên toàn cầu
Trong bối cảnh lạm phát và nhu cầu huy động vốn ngoại tệ đang thu hút sự chú ý của thị trường tiền tệ, các nhà đầu tư ngày càng "phân biệt đối xử" đối với các đồng tiền của thị trường mới nổi. Các quốc gia có nhiều nguy cơ bị mất giá đồng nội tệ nhất là những nước có tỷ lệ lạm phát cao, thâm hụt tài khoảng vãng lai lớn và cần huy động nhiều ngoại tệ.
Ví dụ điển hình là Ucraina và Thổ Nhĩ Kỳ. Tỷ lệ lạm phát của Ucraina hiện vào khoảng 30%/năm. Năm ngoái, thâm hụt thương mại của Ucraina lên tới 10 tỷ USD, còn thâm hụt tài khoản vãng lai tăng tới 300%, lên tới 5,9 tỷ USD hay chiếm 4% GDP. Trước viễn cảnh sẽ nổ ra một cơn sốc giá năng lượng nữa vào năm 2009 với giá khí đốt có thể tăng 30% hoặc hơn, triển vọng tăng trưởng của Ucraina là khá mờ mịt. Trên thực tế, Ucraina đang gắn liền giá trị đồng nội tệ với đồng USD và năm ngoái Ngân hàng Trung ương Ucraina đã phải can thiệp để ngăn chặn đồng nội tệ tăng giá. Thế nhưng, trong tương lai không xa, sức ép có thể đến từ hướng ngược lại và sẽ rất mạnh. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ nhập siêu ngày một lớn và cần huy động khá nhiều ngoại tệ. Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở nước này gần 10%, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra là 2-6%.
Tuy không tiên đoán sẽ xảy ra khủng hoảng tiền tệ, song EIU cảnh báo rằng các quốc gia bị bất ổn chính trị, kinh tế suy giảm cũng như thâm hụt vãng lai lớn đều có thể gặp rắc rối. Trên phạm vị toàn cầu, những nền kinh tế bị lạm phát cao không thể mong đợi sự nương nhẹ của thị trường tiền tệ như trước.
(đtck, The Economist)

Nguồn: Internet