Các DN thép trong nước vừa phải đối diện với tình trạng tồn kho lại phải gánh thêm sức ép từ thép Trung Quốc tràn vào. Nếu không nhanh chóng có biện pháp thì các DN trong nước chắc chắn sẽ bị “đè bẹp”.

Theo nhận định của các DN thép, tình hình tiêu thụ thép trong nước và thế giới từ nay tới năm 2013 vẫn chưa có lối thoát, đặc biệt là tình trạng thép Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam gây áp lực cho các DN. Ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát cho biết, hiện sản lượng thép của Trung Quốc khoảng 700 triệu tấn/năm, chiếm hơn 50% sản lượng thép của thế giới.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản của Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại nên tiêu thụ thép cũng giảm. Chỉ cần vài chục triệu tấn thép của Trung Quốc XK ra ngoài sẽ tạo nên sức ép cho thị trường thép thế giới trong đó có Việt Nam. Hiện thép cuộn của Trung Quốc vào Việt Nam khoảng 300.000 tấn với thuế suất NK 0% (vì có hàm lượng nguyên tố Bo trên 0,0008%), nhưng trên thực tế, tỷ lệ này không làm thay đổi tính chất vật lý của thép.

Một số công ty thương mại lợi dụng chính sách này nhập thép hợp kim nhưng bán với giá thép xây dựng. Đây là hình thức cạnh tranh không lành mạnh, cơ quan chức năng cần phải can thiệp, nếu không thị trường thép sẽ “rơi” vào tay Trung Quốc.

Cùng chung lo ngại trên, ông Huỳnh Trung Quang, Tổng giám đốc Công ty thép Tây Đô cho rằng, chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng sản phẩm thép của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Hiện mức giá thép Trung Quốc nhập về đang được chào bán từ 550 đến 580 USD/tấn (tương đương 11,5 đến 12,2 triệu đồng/tấn) rẻ hơn so với thép sản xuất trong nước. Với mức giá này thì các DN thép trong nước đành chào thua.

Theo suy đoán của ông Nguyễn Trọng Khôi, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), nguy cơ bong bóng thị trường bất động sản ở Trung Quốc đã khiến nhiều nhà máy thép ở nước này đóng cửa. Một lượng thép dư thừa lớn có nguy cơ đổ dồn về Việt Nam và các nước Đông Nam Á, việc này sẽ “bóp nghẹt” thêm ngành thép trong nước đang rất khó khăn. Trước đây Nhà nước đã điều chỉnh mức thuế NK nhưng giờ vẫn không cản được thép xây dựng của Trung Quốc tràn vào Việt Nam.

Cứu doanh nghiệp

Hàng tồn kho, sự cạnh tranh của thép NK đã ảnh hưởng rất nhiều đến giá sản phẩm thép Việt Nam. Do vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng sức tiêu thụ thép và giảm hàng tồn kho. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, cần tìm đầu ra cho ngành thép, tìm hợp đồng mới, tìm thị trường mới như Đông Nam Á, Trung Đông, Nam Phi. Còn theo ông Quang, những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, Nhà nước nên có chương trình để xúc tiến thương mại ở các nước trong khu vực, trước hết là Myanmar, Campuchia, Philippines, đây là những thị trường có lợi thế, tiềm năng đối với DN thép Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Thép Việt - Ý lại tỏ ra  lo ngại, công ty ông đã cố gắng để mở rộng thị trường, kể cả tìm kiếm thị trường có thể XK được nhưng tốc độ tiêu thụ và nhu cầu thị trường rất thấp. Lãi vay tuy giảm xuống 15%/năm nhưng các DN kinh doanh thép vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn, đặc biệt ngân hàng không ưu tiên cho các DN trong ngành thép. Vì thế, để “giải cứu” DN thép, ông Cường cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần phải hạ thấp hơn nữa mức lãi suất, xuống còn khoảng 7 đến 8%/năm.

Đáp lại những lo ngại của DN, ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ tạo điều kiện cho DN trong ngành thép thuận lợi vay vốn với lãi suất hợp lý, đồng thời mở rộng đầu tư công trình xây dựng cơ bản do Nhà nước bỏ vốn như cơ sở hạ tầng, công trình nhà…, kể cả việc tìm biện pháp tháo gỡ cho ngành bất động sản vì đây là ngành gắn với tiêu thụ xi măng, sắt thép...

Bộ Công Thương sẽ trao đổi với Bộ Tài chính, cơ quan Hải quan và Hiệp hội Thép Việt Nam để có giải pháp kiểm tra, kiểm soát đối với sản phẩm có chứa nguyên tố Bo, các sản phẩm có biểu hiện gian lận thương mại trong thuế NK. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đã có quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 -2030, được xây dựng theo hướng ưu tiên dự án sản xuất sản phẩm Việt Nam đang thiếu như: Sản xuất phôi thép từ quặng sắt, hạn chế sản xuất phôi thép từ lò điện, lò quang, ưu tiên dự án thép tấm cán nóng, thép chất lượng cao, các dự án có quy mô công suất lớn… Với cách triển khai như vậy có thể khắc phục tình trạng phát triển “nóng” của ngành thép hiện nay.

(HQ)

Nguồn: Hải quan Việt Nam