Nhưng cùng lúc đó, nỗi lo về tình hình kinh tế Mỹ cũng ngày một lớn hơn do tình trạng hỗn loạn của hoạt động cho vay thế chấp dưới chuẩn của Mỹ tiếp tục lan rộng. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã lên mức 5% và các nhà kinh tế Phố Uôn làm việc tại Goldman Sachs và Morgan Stanley giờ đây dự báo khả năng suy thoái của nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới này đang gần kề.
Hai xu hướng đó thể hiện một vấn đề nan giải: Hoạt động kinh tế chậm lại thường kéo theo giá hàng hoá đi xuống.
Trong lịch sử, tăng trưởng kinh tế Mỹ là động lực lớn nhất thúc đẩy nhu cầu nguyên liệu và bởi vậy là động lực đứng đằng sau sự tăng giá của hàng hoá. Những người đầu cơ giá lên về hàng hoá như cố vấn đầu tư Marc Faber lập luận rằng sự tăng giá hiện nay là hoàn toàn khác do tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và các nước đang phát triển khác kết hợp với nguồn cung toàn cầu bị thu hẹp đã tạo ra một siêu chu kỳ đẩy giá cả trong nhiều năm tăng lên. Từ đó gây ra cuộc tranh luận về các chu kỳ đầu tư hàng hoá năm 2007: Siêu chu kỳ có thể ngừng lại hay không?
Các viện sĩ, những người nghiên cứu các đợt tăng giá hàng hoá trước kia tìm được một số bằng chứng để hỗ trợ triển vọng tăng giá. Gary Gorton, Giáo sư tài chính của trường Wharton School thuộc Trường Đại học Pennsylvania (Mỹ), so sánh môi trường hiện nay với đầu những năm 1970 khi hạn hán và dự trữ thấp làm giá hàng hoá tăng, ngay cả khi kinh tế Mỹ xuống dốc. Hiện tại nhu cầu hàng hoá cơ bản từ Trung Quốc và Ấn Độ cùng với việc sử dụng nhiên liệu sinh học gia tăng như ethanol đã kéo nguồn cung xuống mức thấp tương tự.
Ông Gorton nói rằng Trung Quốc và các tác động của nhiên liệu sinh học ethanol sẽ tồn tại thêm một thời gian nữa. Kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái, nhưng nó không làm thay đổi nhu cầu từ Trung Quốc. Thậm chí nếu Trung Quốc bị suy thoái cũng chưa rõ hàng hoá trong kho có thể nhanh chóng được bổ sung hay không.
Giáo sư Cam Harvey thuộc Đại học Duke lưu ý toàn cầu hoá cũng làm phai nhạt tác động của suy thoái kinh tế Mỹ tới giá hàng hoá. Ông nói rằng cần hết sức thận trọng khi so sánh các giai đoạn tăng trưởng trong lịch sử. Sự tương quan chặt chẽ giữa giá hàng hóa và chu kỳ kinh doanh của Mỹ đã bị thu nhỏ bởi sự xuất hiện của các thị trường đang nổi.
Nhưng cuộc tranh luận siêu chu kỳ lại chọc tức các nhà phân tích những người theo dõi hàng hoá sát sao, nhất là sự ganh đua mà lúc này có sự thể hiện khác. Trong khi giá kim loại quý tăng mạnh, giá các kim loại cơ bản dùng trong công nghiệp như đồng và nhôm lại sụt giảm. Ông Edward Meir, nhà phân tích hàng hoá thuộc MF Global tại Chicago, cho rằng một khi kinh tế Mỹ thực sự rơi vào suy thoái và nhiều người bắt đầu coi kinh tế thực sự yếu, hàng hoá dễ bị tổn thương.
Phần nhiều sự tăng trưởng của Trung Quốc lệ thuộc vào nhu cầu từ người tiêu dùng Mỹ. Ông Meir nói: "Nền kinh tế của chúng tôi lớn gấp 7 lần nền kinh tế Trung Quốc và chúng tôi thâm hụt mậu dịch tới 200 tỷ USD với họ. Mọi việc dường như vẫn tập trung vào Mỹ".
Còn giáo sư Harry Kat thuộc trường Sir John Cass Business School tại City University London (Anh) cho rằng lý do chính mà giá hàng hoá vẫn chưa phản ứng nhiều trước việc kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại là dòng các nhà đầu tư mới quan tâm tới hàng hoá như là sự đa dạng hoá danh mục đầu tư vẫn còn. Giá trị của đồng USD giảm xuống cũng giúp bảo vệ giá hàng hoá, song chẳng có xu hướng nào có thể giữ giá cả tăng vô tận cả.

Nguồn: Internet