Giá gas sẽ giảm thêm 30.000đồng/bình; Nhiều loại thuốc tăng giá đến 45%; Giá thép trong nước sẽ tăng nhẹ;...


Giá thép trong nước sẽ tăng nhẹ

Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi, cho biết: trong quý II/2012, khi bước vào mùa xây dựng, sức tiêu thụ thép có thể đạt từ 400.000 đến 420.000 tấn. Tuy nhiên, cùng với việc giá phôi và thép phế nhập khẩu tăng, giá xăng dầu cũng vừa tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất cũng như vận tải nên giá thép xây dựng sẽ tăng nhẹ.

Theo ông Nghi, hiện giá phôi thép đứng ở mức 640 đến 650 USD/tấn, thép phế cũng ở mức 450 đến 400 USD/tấn, tăng vài chục USD/tấn so với đầu năm. Thế nhưng, do thị trường bất động sản trì trệ, tiêu thụ chậm, các doanh nghiệp đẩy mạnh bán ra bằng việc giảm từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng/tấn để quay vòng đồng vốn. Hiện lượng thép bán ra tại các nhà máy, chưa trừ chiết khấu và chưa có thuế VAT ở mức 15,4 triệu đến 17,1 triệu đồng/tấn đối với thép tròn đốt; từ 15,3 triệu đến 17,2 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn phi 6.

Ông Nghi cũng cho biết, hiện lượng thép tồn kho tại các doanh nghiệp gần 289.000 tấn. Tổng lượng phôi thép tồn ở các doanh nghiệp cùng với lượng phôi sản xuất trong nước và phôi nhập khẩu về trong tháng 4 là 530.000 tấn, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu phôi cho các nhà máy cán. Tuy nhiên, cùng với tác động của giá nguyên nhiên vật đầu vào tăng mạnh từ tháng 3 đến nay, chắc chắn doanh nghiệp sản xuất phải tăng giá bán sản để bù lỗ, nhưng mức tăng vừa phải do các doanh nghiệp trong nước không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với thép ngoại nhập khẩu.

Giá gas sẽ giảm thêm 30.000 đồng/bình

Giá bán lẻ từ đầu tháng 5 tới sẽ còn khoảng 370.000 - 380.000 đồng/bình 12 kg. Thông tin từ các công ty kinh doanh gas trong nước cho biết giá gas thế giới hiện nay đang chào dưới 900 USD/tấn, tức giảm khoảng 100 USD/tấn so với giá công bố hồi đầu tháng 4 vừa qua.Với mức giá mới này, tính ra mỗi bình gas 12 kg sẽ giảm tương ứng hơn 30.000 đồng/bình. Như vậy, giá bán lẻ từ đầu tháng 5 tới sẽ còn khoảng 370.000 - 380.000 đồng/bình 12 kg.

Tuy nhiên, theo giới kinh doanh, giá gas bán lẻ sắp tới sẽ không được các công ty kinh doanh giảm tương ứng với giá thế giới mà chỉ giảm khoảng 20.000 đồng/bình 12 kg do phải bù vào mức lỗ trước đó. Đầu tháng 4 vừa qua, giá thế giới giảm mạnh song nguồn hàng tồn trước đó (trong tháng 3) còn khá nhiều. 

Nhiều loại thuốc tăng giá

Ngày 24-4, Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh dược Việt Nam cho biết giá thuốc sản xuất trong nước và nhập khẩu vừa có sự điều chỉnh.

Khảo sát trong một tháng (từ ngày 21-3 đến 20-4) trên 12.695 mặt hàng thuốc nội cho thấy có 65 mặt hàng tăng giá, chiếm tỉ lệ 0,51 % với tỉ lệ tăng trung bình khoảng 16%.

Đặc biệt, có loại thuốc tăng giá tới 45% so với đầu tháng 3. Về thuốc ngoại nhập, cũng ghi nhận có 43 mặt hàng tăng giá, chiếm tỉ lệ 0,33% với tỉ lệ tăng trung bình khoảng 6,64%. Dự báo, một số mặt hàng thuốc sản xuất trong nước có thể tăng do các yếu tố đầu vào như nguyên liệu, chi phí vận tải tăng.

Ớt mất mùa, mất giá

Tại tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.000 ha ớt, trong đó trồng nhiều nhất là huyện Thanh Bình với hơn 900ha. So với năm 2011, diện tích trồng ớt của huyện Thanh Bình đã tăng gần gấp đôi. Tuy nhiên, giá ớt chỉ còn ¼ so với năm trước. Năm 2011, giá ớt từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, còn năm nay giảm xuống còn 12.000 - 14.000 đồng/kg.

Thông tin từ Sở Công Thương Đồng Tháp cũng khẳng định nguyên nhân ớt mất giá là do diện tích ở các địa phương tăng nên cung vượt cầu. Vì vậy, khi thương nhân Trung Quốc hạn chế thu mua dẫn đến giá giảm.

Một chủ cơ sở thu mua ớt ở thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình cho rằng: Trước kia trung bình mỗi ngày, cơ sở của anh thu mua 15 tấn ớt tươi xuất khẩu, hiện nay chỉ còn khoảng hơn 10 tấn và phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Khi phía Trung Quốc không thu mua thì chắc chắn ớt sẽ mất giá. Trong khi diện tích trồng ớt tăng trong thời gian qua nên cung đã vượt cầu.

 

Nguồn: Vinanet