Tháng 1/2009, giá lúa mì thế giới giảm 7%, do kinh tế thế giới suy thoái sâu, làm ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực kinh tế. Triển vọng nhu cầu thức ăn chăn nuôi giảm sút đã tác động xấu tới giá lúa mì. Nhu cầu thịt trên thị trường thế giới dự báo sẽ tăng chậm hơn so với sản lượng.

Tháng 2/2009, hạn hán tại Trung Quốc đã ảnh hưởng tới 43% diện tích trồng lúa mì vụ đông của nước này. Diện tích gieo trồng lúa mỳ tại 6 tỉnh sản xuất lúa mỳ chính của Trung Quốc là Hà Nam, An Huy, Sơn Đông, Thiểm Tây, Giang Tô đã bị phá huỷ mạnh bởi hạn hán. Tuy nhiên, bởi nước này có lượng dự trữ lúa mì lớn nhất thế giới và chính phủ Trung Quốc ngay lập tức ra những biện pháp can thiệp vào thị trường này, như làm mưa nhân tạo, khiến thị trường lúa mì thế giới không bị tác động mạnh. Tính đến cuối năm 2008, dự trữ lúa mì ở Trung Quốc là 30 triệu tấn, tăng mạnh so với chỉ 13 triệu tấn năm 2007. Vào ngày 20/2, nỗi lo về đợt khô hạn này đã dịu lại, khi các khu vực trồng lúa mì đón nhận những cơn mưa quý giá đầu tiên sau nhiều ngày khô hạn. Và kết quả là giá lúa mì tại Chicago tính chung trong tháng 2 đã giảm tiếp 8,2%.

Năm 2008, giá lúa mì đã giảm 31%, chủ yếu do nhu cầu ngũ cốc Mỹ giảm. Hiện lúa mì thấp hơn khoảng 55% giá trị so với mức kỷ lục cao 13,495 USD/bushel đạt được vào ngày 27/2/2008.

Hiện dự trữ lúa mì toàn cầu cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do tiêu thụ giảm, song tình thế có thể đảo ngược lại nếu xuất hiện yếu tố thời tiết bất lợi, đặc biệt ở Mỹ, Canada hoặc châu Âu, là những nhà xuất khẩu ngũ cốc chính.

Ngoài thời tiết, việc giá thấp từ cuối năm ngoái tới nay cũng sẽ ảnh hưởng tới quyết định gieo trồng ngũ cốc vụ mùa tới. Theo IGC, diện tích trồng lúa mì toàn cầu năm nay có thể giảm 37 triệu tấn, xuống 650 triệu tấn.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc vẫn tin tưởng sẽ tiếp tục có một vụ lúa mì 2009 bội thu, bất chấp hạn hán nặng ở một số tỉnh, song các nhà phân tích cho rằng sản lượng sẽ giảm khoảng 5% - 10% so với 112,5 triệu tấn  của năm ngoái, do hàng loạt những vấn đề liên quan tới thời tiết và dịch bệnh ở một số khu vực trồng lúa mì có thể làm mất đi những thành quả tăng sản lượng cao kỷ lục ở loại nông sản này của Trung Quốc trong 5 năm qua.

Chính phủ Trung Quốc đã rất nỗ lực trong việc tưới nước và những biện pháp khác để làm giảm thiểu ảnh hưởng của khô hạn, song chắc chắn sản lượng lúa mì nước này sẽ bị ảnh hưởng, bởi tưới nước chỉ có thể mang lại sản lượng bằng 60 – 70% so với đủ mưa. Ngoài ra, hạn hán cũng làm gia tăng chi phí đầu vào cho sản xuất lúa mì. Theo đánh giá của Thứ trưởng Nông nghiệp Wei Chaoan, chi phí cho phân bón và việc tưới nước và sẽ vào khoảng 600 NDT – 1.350 NDT/hécta. 

Không chỉ bị hạn hán, vụ mùa lúa mì ở miền Đông Nam Trung Quốc năm nay còn đang gặp dịch dịch rầy nâu. Một số diện tích trồng lúa mì đã bị dịch rầy nâu với mật độ nhiều gấp 3 lần so với mọi năm, và các nhà nông học nước này cảnh báo thiệt hại bởi rầy nâu năm nay có thể cao hơn nhiều so với mức trung bình của những năm trước đây. Trong khi đó, các đợt không khí lạnh tràn vào phương nam có thể sẽ gây ra tuyết rơi, làm giảm nhiệt độ ở những khu vực trồng lúa mì lớn trong thời gian tới, có nguy cơ đe doạ nghiêm trọng hơn nữa sản lượng lúa mì năm nay.

Dự báo giá lúa mì tại Trung Quốc sẽ tăng trong những tháng tới, song không thể tăng mạnh, bởi có sự điều tiết của chính phủ. Giá tại các tỉnh Hà Nam và Sơn Đông hiện khoảng 1.800 NDT – 1.900 NDT/tấn, sẽ tăng lên 2.000 NDT/tấn. Tại phương Tây, giá lúa mì sẽ không có nhiều biến động trong tương lai gần, vì các nhà nhập khẩu đã mua đủ lượng cần thiết. Thị trường Trung Quốc cũng không có ảnh hưởng nhiều tới giá lúa mì phương Tây, vì Trung Quốc không phải là nước xuất nhập khẩu lớn, và dự trữ của nước này còn nhiều, song có ảnh hưởng khá lớn tới Việt Nam, bởi đây là một trong những nguồn cung quan trọng.

 

 

Nguồn: Vinanet