Giá lúa mì trên thị trường thế giới vừa qua quý thứ 6 liên tiếp giảm, kỳ giảm giá dài nhất kể từ ít nhất 5 thập kỷ nay, do dự báo nguồn cung trên toàn cầu sẽ vượt nhu cầu bởi sản lượng ở các nước xuất khẩu lớn đều tăng, trong khi nhập khẩu giảm.

Ngày giao dịch cuối cùng của tháng 9, lúa mì kỳ hạn tháng 12 tăng 0,1% đạt 4,48 USD/bushel tại Chicago. Ngày trước đó, lúa mì đã giảm giá xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2007, 4,4125 USD/bushel.

Trong ngày giao dịch đầu tiên của tháng 10, giá lúa mì kỳ hạn trên thị trường Mỹ tiếp tục giảm do các yếu tố cung cầu bất lợi cho xu hướng giá.

Tại Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2009 giảm 4 3/4 US cents xuống 4,52 3/4 USD/bushel. Tại Kansas, giá lúa mì giảm 7 US cent xuống 4,69 USD/bushel, trong khi tại Minneapolis hợp đồng tháng 12 giá giảm 4 US cent xuống 4,87 ¾ USD/bushel.

Bộ Nông nghiệp Mỹ đã điều chỉnh tăng mức dự báo về sản lượng lúa mì Mỹ cũng như dự trữ lúa mì trong quý của nước này. Cung lúa mì toàn cầu cũng đang ở mức rất lớn.

Các thị trường lúa mì Châu Âu đang trì trệ, với rất ít hoạt động giao dịch. Tại Paris, lúa mì kỳ hạn tháng 11 giá 122,50 Euro/tấn, trong khi tại Paris giá 97,50 GBP/tấn.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhu cầu lúa mì Mỹ giảm do dự trữ tăng trên toàn cầu. Tính từ đầu năm marketing này (1/6) tới ngày 17/9/2009, khách hàng nước ngoài đã cam kết mua 10,05 triệu tấn, tương đương 386 triệu bushel, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo một nhà phân tích thuộc công ty môi giới Central Shoji Co., ông Toshimitsu Kawanable, với sản lượng lúa mì toàn cầu giảm, nhu cầu ngũ cốc Mỹ chậm lại bởi nguồn cung từ những nước xuất khẩu khác, như Nga chẳng hạn, trở nên rẻ hơn.

Trong 3 tháng qua, lúa mì đã giảm giá 17%, là quý giảm giá mạnh nhất trong vòng 1 năm nay, và là quý thứ 6 liên tục giảm giá - thời gian lâu nhất kể từ ít nhất là tháng 12/1959. Lúa mì được dùng làm nguyên liệu để sản xuất bột mì, mì ăn liền, bánh mì và nhiều thực phẩm khác.

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, dự trữ lúa mì thế giới sẽ tăng 10% đạt 186,6 triệu tấn trong niên vụ 2009/10. Sản lượng có thể đạt 663,7 triệu tấn, chỉ đứng thứ 2 sau mức kỷ lục cao 682,3 triệu tấn của năm ngoái, trong khi nhập khẩu có thể giảm xuống 121,1 triệu tấn, so với 141,2 triệu tấn năm ngoái.

Triển vọng sản lượng ngũ cốc vụ đông ở một số nơi của Australia, nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 4 thế giới, khả quan bởi những cơn mưa gần đây. Nước này đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch.

Theo Văn phòng Nông nghiệp và Kinh tế tài nguyên Australia, sản lượng ngũ cốc các loại trong vụ đông của nước này có thể đạt 36 triệu tấn, trong đó lúa mì chiếm 22,7 triệu tấn.

Trên thị trường ngô, hợp đồng kỳ hạn tháng 12 tại Chicago ở mức giá 3,37 USD/bushel trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9. Như vậy tính trong tháng 9, giá ngô đã tăng 2,7%, là tháng tăng giá đầu tiên trong vòng 4 tháng. Tuy vậy, tính trong quý III, giá ngô giảm, và là quý thứ 5 liên tiếp giảm – thời kỳ giảm giá dài nhất kể 2 thập kỷ nay.

Mặc dù sương giá vào đầu vụ ở một số nơi, dự kiến sản lượng ngô Mỹ năm nay sẽ vẫn đạt kỷ lục cao. Mỹ là nước trồng và xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới. Năng suất trong năm marketing bắt đầu từ ngày 1/9 dự kiến đạt kỷ lục 161,9 bushel/acre, đưa tổng sản lượng lên 12,954 tỷ bushel – cũng đạt kỷ lục cao thứ 2 trong lịch sử.

Đậu tương kết thúc tháng ở mức giá 9,165 USD/bushel. Tính chung trong tháng 9, đậu tương đã mất giá 6,4%.

 

 

Nguồn: Vinanet