Giá cả: Theo ước tính sơ bộ của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), chỉ số giá quốc tế của sản phẩm thịt đã tăng lên mức đỉnh: 136 điểm trong tháng 4/2008, tiếp tục đà tăng liên hoàn từ tháng 6/2006 đến nay. Những nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là: giá thức ăn chăn nuôi tăng lên, sự mất giá của đồng đôla Mỹ và nhu cầu tiêu thụ thịt tăng lên từ những nước đang phát triển, đặc biệt là Châu Á.
Tuy nhiên, mức tăng giá đối với từng loại thịt khác nhau do sử dụng nguyên liệu chế biến thức ăn, sự chuyển hoá thức ăn, chu kỳ sinh học khác nhau, cũng như sự khác biệt về thoả thuận thương mại đối với từng loại. Nhìn chung, xu hướng chung của tất cả các loại sản phẩm thịt kể từ năm 2006 đến nay là tăng giá nhưng mức tăng này vẫn chưa thể bắt kịp tốc độ tăng giá chóng mặt của các mặt hàng lương thực, hạt có dầu và bơ sữa.
Việc giá thành sản phẩm tăng liên tục, đặc biệt là thức ăn gia súc, tại các nước sản xuất chính đang làm giảm lợi nhuận của người chăn nuôi đồng thời đặt ngành chăn nuôi dưới sức ép phải tiếp tục tăng giá. Trong khi đó, việc tăng sản lượng lại hết sức chậm trễ do đặc trưng của ngành chăn nuôi phụ thuộc vào đặc tính sinh học của vật nuôi, cũng như dịch bệnh xảy ra có tính chu kỳ.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2008, giá thịt cừu tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, thịt bò tăng 7% do nhu cầu tiêu dùng tăng trong khi nguồn cung hạn chế từ các nước sản xuất chính như Áchentina, Úc, Canađa và Niu Dilân. Trong số các mặt hàng thịt, gia cầm có mức tăng giá cao nhất là 28% trong cùng kỳ như trên do giá thức ăn gia cầm tăng rất mạnh. FAO cho biết 54% mức tăng sản lượng thịt năm 2008 sẽ đến từ ngành chăn nuôi gia cầm.
Sản lượng: Mặc dù dịch bệnh trên gia cầm cũng như gia súc bùng phát tại một số quốc gia, song sản lượng thịt năm 2008 toàn thế giới dự báo vẫn tăng.
Sản lượng thịt lợn tăng khoảng 2% lên mức 101 triệu tấn sau khi đã sụt giảm 3% trong năm 2007- kết quả của việc tiêu hủy gần 1 triệu con lợn sau đợt bùng phát dịch bệnh trên đàn lợn tại Trung Quốc – nhà sản xuất thịt lợn hàng đầu thế giới.
 
Đối với thịt gia cầm, dịch bệnh cúm trên gia cầm tiếp tục ảnh hưởng xấu đến ngành thương mại thịt gia cầm. Tuy nhiên, tại các nước đang phát triển nhu cầu tiêu thụ thịt vẫn tăng cao, đặc biệt đối với các loại thịt ít giàu protein như thịt gia cầm. Giá thức ăn chăn nuôi để sản xuất ra những loại thịt giàu đạm tăng mạnh khiến giá thành sản xuất các loại thịt này cũng tăng cao, do đó người tiêu dùng có xu hướng sử dụng thay thế bằng các loại thịt rẻ hơn.
 Với tình hình này, sản lượng thịt gia cầm năm 2008 được dự báo đạt 93 triệu tấn, tăng khoảng 3,5 triệu tấn so với năm trước. Sự tăng trưởng đến từ tất các các khu vực trên thế giới. Sản lượng thịt gia cầm tại Nam Mỹ cũng được dự báo tăng lên 6%. Áchentina, Chilê và Côlômbia sẽ đạt mức tăng 10%, trong khi mức tăng trưởng của Braxin- nước sản xuất gia cầm lớn nhất trong khu vực, đạt khoảng 5%. Năm nay, dù dịch cúm gia cầm bùng phát nhiều lần nhưng sản lượng gia cầm Trung Quốc vẫn được dự báo tăng. Hầu hết các nước sản xuất gia cầm lớn khác, bao gồm: Australia, Inđônêsia, Iran, Philíppin, Liên bang Nga, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đều dự báo tăng sản lượng gia cầm trong năm 2008 nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa ngày càng tăng. Tại Châu Phi, sản lượng gia cầm sẽ tăng 1% trong năm nay, chủ yếu nhờ mức tăng lớn của Nam Phi.
Tuy nhiên, có một lượng giảm nhỏ tại 2 quốc gia là Ấn Độ và Cộng hòa Triều Tiên do công tác đẩy mạnh tiêu hủy gia cầm nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi-rút cúm gia cầm H5N1. Sản lượng gia cầm tại hai nước này năm 2008 sẽ giảm lần lượt 3% và 2%.
Bảng 1: Sản lượng và thương mại sản phẩm thịt thế giới (Nguồn: FAO)
Sản lượng (triệu tấn)
Năm 2006
  Năm 2007
Năm 2008 (dự báo)
271.5
274.7
280.9
Thịt bò
65.7
67.2
68
Gia cầm
85.4
89.5
92.9
Thịt lợn
101.7
98.8
100.6
Thịt cừu
13.3
13.7
14
Thương mại
21.4
22.5
23.1
Thịt bò
6.8
7.1
7.2
Gia cầm
8.5
9.2
9.6
Thịt lợn
5
5
5.3
Thịt cừu
0.8
0.9
0.8
Đối với thịt cừu, năm 2008 sản lượng thịt cừu thế giới dự báo tăng 2% lên 14 triệu tấn nhờ sản lượng tăng tại các nước Trung Quốc, Cộng hòa hồi giáo Iran và Pakistan. Sản lượng cừu cũng tăng tại Châu Phi, đặc biệt là Ai Cập, Morocco và Xuđăng – tạo ra 2/3 mức tăng trưởng sản lượng của đại lục này. Sản lượng cừu tại Bắc Mỹ cũng tăng hơn 1,9%, chủ yếu từ Mỹ, do cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang tăng nhu cầu tiêu thụ thịt cừu.
Mặc dù vậy, sản lượng cừu lại giảm tại phần lớn các nước đang phát triển khác. Dù tình hình thời tiết đã được cải thiện tại Australia nhưng sản lượng vẫn sẽ giảm trong năm 2008 do đàn cừu tại đây đang trong giai đoạn tái thiết lập. Tình trạng khô hạn tại đảo phía bắc Niu Dilân và thời tiết bất lợi tại hầu hết các khu vực sẽ giữ sản lượng cừu của nước này ở mức tương đương với năm 2007. Sản lượng tại Liên minh Châu Âu năm nay sẽ tiếp tục giảm khoảng 1,4%.
Thương mại:  Thương mại thịt lợn thế giới ước tăng 5,2% lên mức 5,3 triệu tấn trong năm 2008. Mức tăng có được một phần do Trung Quốc tham gia mạnh vào thị trường với tư cách là nhà nhập khẩu khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước tăng vượt khả năng cung cấp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Năm nay, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu 150.000 tấn thịt lợn nhằm giảm sức ép tăng giá lên hàng hóa nội địa.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh khiến sản xuất thịt lợn giảm sút tại Nhật Bản trong khi đó nhu cầu tiêu thụ nội địa vẫn tăng, sẽ thúc đẩy nước này tăng nhập khẩu thịt lợn lên 2%. Cộng hòa DCND Triều Tiên cũng được dự báo tăng nhập khẩu thịt lợn, đặc biệt là thịt lợn từ Chilê do thuế nhập khẩu giảm thấp sau thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước. Tại Nga, mặt hàng thịt lợn tiếp tục nằm trong 56 hàng hóa chịu hạn ngạch. Năm nay lượng thịt nhập khẩu của Nga sẽ không tăng lên nhờ sản lượng thịt trong nước được cải thiện với chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của Chính phủ. Mêhicô cũng sẽ giảm nhập khẩu thịt lợn trong năm nay do sản lượng trong nước sản xuất tăng lên so với trước.
Về phía các nước xuất khẩu, Braxin và Mỹ sẽ tăng lượng thịt lợn xuất ra nước ngoài, trong đó đáng chú ý là lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản. Trái lại, xuất khẩu thịt lợn của Canađa lại giảm đi do sự vững mạnh của đồng nội tệ và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi đó lượng thịt lợn xuất khẩu của Liên minh Châu Âu không mấy thay đổi.
Thương mại thịt gia cầm dự báo tăng 4% lên mức 9,6 triệu tấn nhờ nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh. Một nửa mức tăng trưởng trên đến từ các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc- nơi người tiêu dùng đang tiêu thụ thịt gà thay thế cho thịt lợn. Philíppin và các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng tăng nhập khẩu gia cầm để đáp ứng tiêu dùng trong nước. Ả Rập Xê út dự kiến giảm thuế nhập khẩu gia cầm đông lạnh nhằm kiểm soát giá thực phẩm trong nước, và lượng gia cầm nhập khẩu năm nay dự báo tăng 2,6%. Liên minh Châu Âu cũng sẽ trở thành nhà nhập khẩu gia cầm lớn trong năm 2008 với nguồn cung chủ yếu đến từ Braxin. Nhập khẩu gia cầm của Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng lên từ mức thấp của năm 2006 do người tiêu dùng đã trở lại với sản phẩm thịt gia cầm sau những lo ngại về dịch cúm. Thu nhập tăng và cung các loại thịt khác đang giảm khiến người tiêu dùng tại Liên bang Nga tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gia cầm, thúc đẩy nước này tăng lượng gia cầm nhập khẩu. Tuy nhiên nhập khẩu gia cầm của Nhật Bản năm nay lại giảm 1,6%.
Về phía các nước xuất khẩu gia cầm, lượng thịt gà xuất khẩu của Braxin tạo ra 38% lượng tăng thêm của thương mại thịt gia cầm toàn thế giới. Xuất khẩu gia cầm Braxin dự báo tăng 4% lên mức 3,6 triệu tấn nhờ nhu cầu tiêu thụ mạnh từ các nước thuộc Liên minh Châu Âu và Trung Cận Đông như Ả Rập Xê út, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, các nước Châu Á như Hồng Kông và Nhật Bản.
Bất chấp sự trở lại của dịch cúm gia cầm trong năm nay, ngành sản xuất thịt gà của Thái Lan vẫn tăng lượng xuất khẩu sản phẩm qua chế biến lên ít nhất 7% nhờ nhu cầu tăng mạnh từ Liên minh Châu Âu và Nhật Bản.
Xuất khẩu gia cầm từ Mỹ dự báo tăng 4% so với năm trước, tạo ra 1/3 lượng tăng thêm của thương mại gia cầm toàn cầu, dù chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của Braxin tại thị trường Châu Á. Tỷ giá hối đoái thấp của đồng đôla Mỹ đã giúp sản phẩm từ Mỹ có sức cạnh tranh lớn tại thị trường Trung Quốc và Liên bang Nga.
Agroviet
 

Nguồn: Internet