Thế giới

Thị trường tiếp tục ảm đạm. Do giá thép phế sụt giảm nên phần lớn các nhà máy thép ở Mỹ cũng bắt đầu giảm giá thép xây dựng.

Hãng thép Nucor giảm giá thép hình cỡ nhỏ khoảng 31 USD/tấn, báo giá thép góc 2x2x1/4 giảm còn 885 USD/tấn, giá chào bán thực tế thép thanh vằn và thép hình giảm 17 USD/tấn.

Nhà máy thép WSD và Gerdau Steel cũng giảm giá thép. WSD giảm giá thép hình H khoảng 17 USD/tấn và Gerdau Steel giảm giá thép góc, thép lòng máng, thép công nghiệp và phôi vuông khoảng 31 USD/tấn. Giá thép hình và thép thanh vằn giảm 17 USD/tấn.

Các đại lý tiêu thụ cho biết, nhu cầu hiện khá ổn định và giao dịch vừa phải. Nguyên nhân các nhà máy giảm giá có khả năng là do lo ngại về thị trường nhập khẩu. Sau khi giá giảm thì giá xuất xưởng thép thanh vằn trên thị trường Mỹ khoảng 728-739 USD/tấn, giá xuất xưởng thép hình H cỡ vừa khoảng 854 USD/tấn.

Tại Hàn Quốc, giá thép cuộn cán nóng (HRC) xuất khẩu cũng đang trong chiều hướng đi xuống. Các nhà sản xuất thép của Hàn Quốc, bao gồm Posco và Hyundai Steel đã giảm giá thép HRC xuất khẩu xuống còn 540 USD/tấn FOB. Tuy nhiên, giá này vẫn cao hơn giá trên thị trường thế giới. Thép HRC của Hàn Quốc xuất khẩu chủ yếu sang Đông Nam Á.

Tại Trung Quốc, giá thép kỳ hạn tại sàn giao dịch Thượng Hải ở mức thấp nhất mọi thời đại vào phiên hôm 4/9/2012. Hầu hết các giao dịch thép thanh giao kỳ hạn tháng giêng tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đạt mức thấp 3.276 NDT (tương đương 520 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ khi thị trường chứng khoán đưa ra giá thép thanh kỳ hạn năm 2009. Giá thép thanh lúc đóng cửa giảm 2,1% xuống còn 3.282 NDT/tấn. Như vậy, giá thép mất hơn 1/3 trị giá kể từ đầu tháng 7/2012.

Tuy nhiên khi thông tin gói QE3 được tung ra, thị trường thép bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Một số hãng thép Trung Quốc đã thông báo tăng giá thép xây dựng. Hãng Sangang có thể tăng giá giao tại xưởng bình quân 100-150 CNY/tấn cho sản phẩm thép xây dựng trong 10 ngày cuối tháng Chín.

Được biết, thị trường thép Trung Quốc nói chung đã khởi sắc sau khi Mỹ công bố gói kích thích kinh tế QE3.

Thép phế, giá vẫn trong chiều hướng sụt giảm. Do giá thép phế thế giới có chiều hướng sụt giảm và thị trường thép ảm đạm nên giá nhập khẩu thép phế ở Đông Á giảm sâu, người mua không tích cực thu mua.

Thị trường nhập khẩu thép phế Hàn Quốc sụt giảm. Báo giá phế liệu nặng H1 đóng rời của Mỹ khoảng 390-395 USD/tấn CFR nhưng hầu như không có giao dịch. Người mua dự kiến kéo giá thấp xuống còn 380 USD/tấn CFR. Giá thép phế nhập khẩu từ Nhật Bản cũng suy yếu. Giá phế liệu nặng H2 giảm còn 323 USD/tấn FOB, giá thép phế mới khoảng 368-374 USD/tấn FOB, giảm đến 50 USD/tấn so với mức lập đỉnh hồi tháng 8. Người mua cho rằng giá thép phế có khả năng sẽ còn giảm nữa nên rất thận trong khi thu mua.

Ở Đài Loan, giá nhập khẩu thép phế HMS 80:20 (1,2) đóng cont từ Mỹ hiện khoảng 350-355 USD/tấn CFR, giảm khoảng 50 USD/tấn so với tháng 8. Giá xuất xưởng của các hãng thép nội địa thấp đến 345 SSD/tấn CFR.

Ở Đông Nam Á, báo giá thép phế HMS 1,2 khoảng 400-405 USD/tấn CFR. Một nhà máy ở Malaysia dự đoán giá sẽ còn giảm nên tạm thời chưa thu mua.

Trong nước

Do lượng thép tồn kho trong nước còn cao và phải cạnh tranh khốc liệt với thép giá rẻ nhập khẩu về nhiều khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước buộc phải giảm giá bán để giảm hàng tồn kho, quay vòng đồng vốn.

Giá thép niêm yết tại nhà máy (đầu tháng 9) giảm xuống từ 300.000 – 900.000đ/tấn, mức giá bán chưa có thuế VAT ở mức 15,7-16,2 triệu đồng/tấn ở miền Bắc; từ 15,3-17,1 triệu đồng/tấn ở miền Nam. Giá bán thực tế của các công ty chưa tính thuế VAT phổ biến ở mức 15,1-15,5 triệu đồng/tấn đối với thép tròn cuộn và từ 15,1-15,5 triệu đồng/tấn đối với thép cây thông dụng, tùy từng thương hiệu và từng khu vực. Giá bán lẻ thép tại các địa phương ổn định và phổ biến ở mức 17,4-18 triệu đồng/tấn tại miền Bắc và từ 17,5-18,1 triệu đồng tại miền Nam.

Đến trung tuần tháng 9, các đại lý thép bán lẻ xây dựng khu vực TPHCM vừa giảm thêm khoảng 200 nghìn đồng/tấn nhằm giảm áp lực tồn kho vốn hết sức căng thẳng từ nhiều tháng qua.

Sau khi giảm, giá thép bán lẻ dao động 17,3 - 17,9 triệu đồng/tấn, nhưng sức mua vẫn ở mức thấp.

Tổng giám đốc một công ty thép cũng xác nhận, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp đến giữa tháng 9/2012 xấp xỉ 50 nghìn tấn, mức khá cao trong bối cảnh các doanh nghiệp chỉ chạy 70% công suất thiết kế. Riêng các doanh nghiệp có thị phần lớn thuộc khối doanh nghiệp nhà nước, lượng thép tồn kho phổ biến 25-30 nghìn tấn.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, đến đầu tháng 8/2012, lượng thép nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã lên tới 137.500 tấn, cao gấp 5,5 lần so với cùng thời điểm năm 2011. Trong khi đó, vào năm 2010, con số này chỉ ở mức 24.900 tấn. Năm 2011 cũng chỉ đến 53.600 tấn.

Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp nhập thép từ Trung Quốc vào Việt Nam khai là có hàm lượng vi chất Bo nhỏ, khai là thép hợp kim để trốn thuế. Hiện tượng này, theo ông Ổn, là do thép carbon xây dựng nhập khẩu thông thường chịu thuế suất là 5%, thép hợp kim là 0%. Vì thế, các đơn vị nhập khẩu đã khai man, đổi tên loại thép để được hưởng mức thuế thấp. Với việc gian lận này, thép Trung quốc lại là nguyên nhân chính trong việc khó giảm hàng tồn kho cũng như thép trong nước liên tục phải hạ giá bán.

Ngày 18/9, trong báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng 8 tháng đầu năm vừa được gửi lên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết, với tình hình các doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể có chiều hướng gia tăng nhanh như hiện nay, cần thiết phải có ngay các giải pháp mang tính cấp bách để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm: bổ sung các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng vào nhóm các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ của nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; tiếp tục nghiên cứu khoanh nợ, giãn thời hạn trả nợ đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, xây lắp, các chủ đầu tư xây dựng nhà ở để bán nhưng đang trong quá trình xây dựng; tiếp tục giảm lãi suất cho vay; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay...

Để hạn chế nhập lậu và bảo vệ sản xuất thép trong nước, VSA và Tổng công ty Thép Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra giám sát hàng sau thông quan, nhất là việc đưa vào sử dụng. Sản phẩm thép nhập khẩu phải được sử dụng đúng quy định.

Mặt khác, nên quy định sản phẩm thép nhập khẩu bắt buộc phải có nhãn mác tiếng Việt, thậm chí bắt buộc ghi thông tin kỹ thuật có liên quan. Đối với thép nhập khẩu có nguyên tố Bo, Tổng công ty Thép Việt Nam đề nghị nên có sự tham gia kiểm tra, kiểm định của các Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với các trang thiết bị hiện đại, đầy đủ để xác định chính xác hàm lượng chất này trong thép nhập khẩu.

VSA cũng đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan hữu quan sớm tìm ra giải pháp chống bán phá giá, chống trợ giá xuất khẩu kịp thời để trợ giúp ngành thép.

Mới đây, đại diện tập đoàn Thép POSCO (Hàn Quốc) tại Việt Nam – văn phòng POSCO – South Asia Hà Nội cũng vừa gửi văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo xây dựng hàng rào phi thuế quan đối với việc nhập khẩu thép vào Việt Nam vì, trong khi xuất khẩu thép từ Việt Nam gặp trở ngại lớn do các nước đều đã và đang áp dụng hàng rào phi thuế quan, nhất là các nước ASEAN. Nhiều nước áp dụng mức thuế nhập khẩu cao như Malaysia: 25 – 50%; Indonesia: 10%... nhưng Việt Nam chỉ áp dụng mức thuế 7%.

 

 

Nguồn: Vinanet