Chiều 1/7 tại Tôkyô, đồng USD giảm giá so với đồng yên Nhật, từ 106,16 yên/USD phiên trước xuống 105,75 yên/USD. Đồng euro cũng tăng giá so với đồng USD, từ 1,5745 USD/euro lên 1,5769 USD/euro.
Trong phiên này, đồng USD cũng giảm giá so với hầu hết các ngoại tệ lớn ở châu Á như đồng đôla Xingapo (SGD) và đồng baht Thái, từ 1,3616 SGD/USD xuống 1,3613 SGD/USD và từ 33,53 baht xuống 33,38 baht/USD.
Theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), lòng tin kinh doanh ở nước này trong tháng 6/08 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm qua. Tuy nhiên, kết quả điều tra này không quá xấu như người ta dự kiến.
Thị trường đang chờ đợi quyết định về lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khi cơ quan này nhóm họp vào ngày 3/7 tới. Theo dự báo của các bên tham gia thị trường, ECB sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm lên 4,25% để đối phó với lạm phát. Giới phân tích cho rằng khoảng cách chênh lệch 2% giữa lãi suất của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Mỹ cùng với sự tăng trưởng ì ạch của kinh tế Mỹ đang gây sức ép giảm giá lên đồng USD.
Trong vòng 3 năm qua, giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng khoảng 20% so với đồng USD và việc đồng USD mất giá đã gia tăng sức ép lên các nhà xuất khẩu của Trung Quốc và buộc một số nhà xuất khẩu phải ngừng hoạt động. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là nước đứng đầu thế giới về dự trữ ngoại hối với 1.800 tỷ USD tính đến cuối tháng 5/2008, có nghĩa là chỉ một sự sụt giảm nhỏ về giá trị của đồng USD cũng có thể gây tổn thất lớn cho kho của khổng lồ này của Trung Quốc.
Đây là lần thứ hai trong năm nay Thủ tướng Ôn Gia Bảo đề cập đến sự mất giá của đồng USD cùng những vấn đề của nền kinh tế Mỹ và tác động của nó đến nền kinh tế Trung Quốc. Lần trước là tại phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3/2008.
Tháng 6 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Châu Tiểu Xuyên nói rằng sự sụt giá của đồng USD đã dẫn đến việc tăng giá dầu mỏ và các loại hàng hóa khác, kéo theo lạm phát gia tăng và gây tổn thương cho các nền kinh tế đang phát triển.
 
 

Nguồn: Vinanet