Giá vàng ngày 29/9 tại châu Á có lúc đã giảm trên 1%, trước khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua kế hoạch giải cứu thị trường tài chính trị giá 700 tỷ USD. Bên cạnh đó, giá vàng giảm còn do giới đầu tư tranh thủ bán ra kiếm lời nhân lúc giá vàng tăng mạnh trong tuần trước.

Nhà phân tích Darren Heathcote thuộc Investec Australia ở Xítni cho rằng giới giao dịch sẽ tiếp tục bán vàng ra, do nỗi lo ngại về rủi ro dịu lại.

Chiều 29/9 tại Xingapo, giá vàng giao ngay giảm xuống 875,75 USD/ounce, giảm 7,5 USD (0,85%) so với cuối tuần trước tại Niu Yoóc khi kim loại quý này tăng lên mức cao nhất trong gần 7 tuần qua là 911,15 USD/ounce. Trước đó, vào giữa phiên 29/9, giá vàng đã giảm tới 1,6% xuống 868,85 USD/ounce.

Nhà phân tích Heathcote cho rằng giá vàng vào thời điểm hiện nay sẽ dao động trong khoảng từ 860 USD tới khoảng 920 USD/ounce.

Giá vàng hiện đã tăng trên 18% so với mức thấp 736 USD/ounce hôm 11/9 - mức thấp nhất trong gần 1 năm qua. Kim loại quý này cũng được lợi từ làn sóng ngăn chặn rủi ro, sau khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ đệ đơn xin phá sản.

Nhà phân tích cao cấp Koji Suzuki thuộc SBI Futures Co Ltd cho hay giới đầu tư vẫn đang cố gắng xác định xem thị trường nào là phương tiện đầu tư tốt nhất vào thời điểm này.

Thị trường vàng giao ngay hầu như vắng khách do nhiều nhà giao dịch vàng ở Inđônêxia và Malaixia đã nghỉ lễ đạo Hồi Eid al-Fitr trong tuần này. Lượng vàng của SPDR Gold Trust -quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới- vẫn xấp xỉ mức cao kỷ lục 724,63 tấn.

Công ty tư vấn kim loại GFMS nhận định giá vàng sẽ tăng lên trên 1.000 USD/ounce, do khủng hoảng tài chính thúc đẩy hoạt động mua vàng để làm phương tiện đầu tư an toàn, nhưng sau đó có thể chịu sức ép giảm giá do hoạt động mua vàng của giới đầu tư chậm lại.

Trên thị trường kim loại quý, giá bạch kim giao ngay giảm 9,5 USD (0,86%), xuống 1.098,5 USD/ounce, do doanh số bán ô tô kém làm dấy lên nỗi lo ngại về nhu cầu bạch kim.

Nguồn: Vinanet