Tháng 5, giá vàng thế giới có nhiều biến động mạnh. Ngay từ đầu tháng, giá vẫn theo đà sụt giảm của cuối tháng trước đó và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 trong phiên giao dịch ngày 02/5 là 845 USD/ounce. Nhưng không lâu sau, giá đã tăng trở lại và giữ đà này liên tục trong nhiều ngày, khiến thị trường không thể không đặt hi vọng ngưỡng 1.000 USD/ounce có thể sớm quay trở lại. Song đến 29/5, giá vàng lại bất ngờ giảm mạnh xuống 900 USD/ounce và tiếp tục giảm còn 876,10 USD/ounce trong ngày 30/5 trước hồi phục mạnh mẽ của đồng USD.

            Đầu tháng, giá vàng đã giảm xuống mức thấp hơn dự kiến. Bên cạnh đó, thị trường thế giới đồng loạt nghỉ lễ, một số thị trường quan trọng khác như Nhật Bản và Luân Đôn còn tiếp tục nghỉ trong các ngày 05 và 06/5 khiến hoạt động giao dịch vàng trở nên thưa thớt. Tuy nhiên, giá giảm đã khuyến khích các nhà đầu tư mua vào, cộng với hoạt động giao dịch không mấy sôi động lại chính là yếu tố hỗ trợ tốt cho giá vàng. Bước sang tuần giao dịch thứ 2 của tháng, giá tăng trở lại và trong phiên đầu tiên đã đạt biên độ tăng 2% trên các thị trường. Tại New York, giá vàng kỳ hạn ngày 05/5 đạt 874,10 USD/ounce còn tại Hồng Công thì giá đứng ở 864,00 – 865,00 USD/ounce.

            Đà tăng trong phiên 05/5 được giữ vững đến hết tuần theo sự biến động của thị trường dầu mỏ. Khi giá dầu mỏ lần đầu tiên trong lịch sửa vượt 126 USD/thùng trong mối lo ngại lạm phát ngày càng gia tăng thì thị trường tự tin khẳng định giá vàng sẽ tiếp tục tăng tốc và sớm đạt 900 USD/ounce.

            Chỉ sau một tuần tăng giá đựơc duy trì, bước sang ngày 13/5 giá giảm trở lại do đồng USD trỗi dậy trước thông tin khả quan hơn so với dự đoán về tình hình bán lẻ tại thị trường Mỹ tháng 4. Thông tin này khiến người ta tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sẽ không tiếp tục cắt lãi suất. Ngay ngày hôm sau, thông tin về giá tiêu dùng tại Mỹ tháng 4/08 chỉ tăng 0,2% so với mức 0,3% tháng trước đó đã hỗ trợ đồng USD tiếp tục tăng và giá vàng bị tác động ngược xuống mức thấp nhất trong 10 ngày, còn 859,30 USD/ounce tại New York.

            Tuy nhiên, bước sang ngày 16/5, giá vàng bất ngờ tăng trở lại và lần đầu tiên sau 3 tuần ngưỡng 900 USD/ounce được xác định trên đồ thị giá, sau khi số liệu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố cho thấy chỉ số kinh tế tổng hợp của bang New York bất ngờ sụt xuống mức - 3,2 trong tháng 5, so với mức +0,6 trong tháng 4. Hoạt động sản xuất công nghiệp của bang này sụt giảm mất 0,7% trong tháng 4, sau khi đã tăng 0,2% trong tháng 3. Những số liệu này cho thấy, kinh tế bang New York đang co lại. Bên cạnh đó, những số liệu về nhà ở của Mỹ kiến sẽ giảm xuống  mức thấp nhất 17 năm qua và lòng tin tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất 26 năm cho thấy dấu hiệu tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại. Những lý do này khiến cho đồng USD sụt giảm mạnh so với rổ tiền tệ, điển hình là đồng Euro, đồng Yên Nhật và đồng ringgit của Malaysia. Đứng trước tình hình này, nhiều chuyên gia còn tỏ mối lo ngại đồng USD có thể sụp đổ. Tuy nhiên họ vẫn tin rằng khả năng một đồng tiền khác thay thế đồng bạc xanh này trong tương lai gần là khó xảy ra.

             Đà tăng của giá vàng bắt đầu từ ngày 16/5 và được duy trì liên tục trong nhiều ngày và đỉnh điểm của nó là ngày 22/5 khi giá lần đầu tiên trong tháng đạt mức 935,3 USD/ounce và là mức cao nhất kể từ ngày 18/4. Đây cũng là mức giá cao nhất trong tháng 5.

             Trong khi vàng liên tục tăng giá trong nhiều ngày thì USD lại giảm giá thảm hại khi đồng bạc xanh này lún xuống mức thấp nhất trong 1 tháng so với rổ tiền tệ chủ chốt trong ngày 26/5.

            Những ngày cuối tháng 5, kịch bản của giá vàng và đồng USD lại trở về hồi đầu tháng. Đồng USD hôm 30/5 đã tăng khá mạnh trong đó điển hình là đạt mức cao nhất trong 3 tháng trở lại đây so với đồng Yên Nhật, đẩy giá vàng xuống còn 876,10USD/ounce. Mặc dầu vậy, nhiều nhà phân tích kim loại quý trên thế giới vẫn cho rằng, giá vàng vẫn còn khả năng tăng do tình trạng lạm phát đang leo thang tại nhiều nước do giá dầu cao ngất ngưởng, thúc đẩy giới đầu tư mua vàng để tích trữ, bên cạnh đó đồng USD vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất giá do tác động từ tình hình xấu của kinh tế Mỹ.

            Những năm gần đây, vàng được hỗ trợ nhờ nhu cầu gia tăng trên khắp các thị trường hàng hoá trước sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, hoạt động đầu tư cũng là nguyên nhân không thể bỏ qua trong số những yếu tố đẩy giá vàng lên. Giới đầu tư cũng cho rằng có quá nhiều lý do để mua vàng vào, chứ rất ít nhân tố  khuyến khích bán ra kim loại quý này. Vì vậy họ đang chuyển hướng sang đầu tư mạnh vào vàng, nguồn dự trữ giá trị có truyền thống an toàn nhất, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về sự suy thoái kinh tế Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới.

            Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng giá vàng sẽ chưa từ bỏ xu hướng tăng bởi kinh tế thế giới tiềm ẩn quá nhiều rủi ro và vàng đã được các nhà đầu tư lựa chọn làm nơi trú ẩn an toàn nhất trong bối cảnh hiện nay.

            Tại Việt Nam, giá vàng cũng theo đà của thị trường thế giới trong tháng qua. Giá đã tăng từ 1.700.000 đồng/chỉ hồi đầu tháng lên 1.820.000 đồng/chỉ hiện nay, song vẫn thấp hơn nhiều so với con số kỷ lục 1.980.000 đồng/chỉ ngày 17/3 khi giá vàng thế giới đạt 1.030,80 USD/ounce.

            Nguồn cung vàng cho thị trường trong nước thời gian vừa qua rất dồi dào. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), chỉ trong 4 tháng đầu năm 2008, Việt Nam đã nhập tới 43 tấn vàng, với trị giá khoảng 1,2 tỷ USD, bằng 1/2 khối lượng nhập khẩu của cả năm 2007. Đứng trước tình hình này, Bộ Tài chính đã quyết định tăng thuế nhập khẩu vàng lên 1% (mức cũ là 0,5%), có hiệu lực kể từ 20/5. Với mức thuế mới này, mỗi lượng vàng nhập khẩu phải nộp thuế khoảng 170.000 đồng, thay vì khoảng 85.000 đồng như hiện nay. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước cho rằng, hiện thị trường trong nước đang dồi dào nguồn cung do nhập khẩu quá nhiều, song việc tăng thuế có thể đẩy giá vàng tăng trong thời gian tới.

 

Dự báo:

-         Tình trạng lạm phát xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, giá dầu có thể tiếp tục ở mức cao trong  khi đồng USD khó hồi phục  sẽ  đẩy giá vàng lên trong tháng 6.

-         Giá vàng trong nước sẽ theo đà của giá vàng thế giới, bên cạnh đó chính sách tăng thuế nhập khẩu vàng của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 20/5, sẽ đẩy giá vàng tăng.

-         Đồng USD sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng trên thị trường tín dụng và thế chấp nhà đất  ở Mỹ.

Nguồn: Vinanet