Giá trị sản xuất công nghiệpcủa tỉnh Bình Thuận (kể cả thuỷ điện Hàm Thuận –Đa My) năm 2007 ước đạt 3.216,3 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm trước; trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 967,8 tỷ đồng (giảm 1,6% so với năm trước), kinh tế ngoài nhà nước đạt 2.207,4 tỷ đồng (tăng 16,6%); kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 41,1 tỷ đồng (tăng 15,8%). Nếu không tính kết quả sản xuất thủy điện Hàm Thuận – Đa My, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.350,7 tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm trước.

Hầu hết các sản phẩm sản xuất trong năm đều tăng so với năm trước. Các sản phẩm sản xuất tăng là: đá xây dựng (tăng 6,1% so với năm trước); khai thác cát sỏi (tăng 14,1%); thủy sản đông (tăng 8,2%); thủy sản khô (tăng 1,4%); nước mắm (tăng 12,7%); đường (tăng 5,5%); nước đá (tăng 2,5%); bia (tăng 6,6%); nước khoáng (tăng 14,7%), dược phẩm (tăng 15,5%), sản phẩm may gia công (tăng 41,4%); in ấn (tăng 2,4%); chế biến gỗ xẻ (tăng 1,8 lần); gạch nung (tăng 2,8%); nước máy sản xuất (tăng 8,1%). Sản phẩm giảm so với năm trước là muối hạt (giảm 12,4%). Riêng sản phẩm nhân hạt điều (do Công ty TNHH Tuấn Minh sản xuất từ tháng 6/2007) sau gần 7 tháng hoạt động, sản lượng đạt được 1.170 tấn. Song nếu so với kế hoạch đề ra, các sản phẩm: đá xây dựng, muối, đường, bia, quần áo may sẵn, gạch nung, nước máy, điện phát ra đạt còn thấp.

Nhìn chung sản xuất công nghiệp trong năm ổn định; các doanh nghiệp chế biến hải sản, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng may mặc, vật liệu xây dựng hoạt động tiếp tục tiến triển như:

+Đã khởi công đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2;

+Hoàn thành cơ bản các thủ tục và chuẩn bị khởi công Khu công nghiệp Hàm Kiệm, cơ bản xong khâu đền bù Khu công nghiệp Hàm Kiệm II;

+Đôn đốc tiến độ thi công và thu hút các dự án đầu tư vào Khu chế biến Nam Cảng cá Phan Thiết.

+Phê duyệt lại hồ sơ quy hoạch, đồ án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ Sơn Mỹ.

+Lập các thủ tục xin ý kiến Chính phủ đưa vào Quy hoạch quốc gia và kêu gọi đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tân Đức;

+Tiến hành lập quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp - khu dân cư và dịch vụ Tuy Phong;

+Các khu, cụm công nghiệp, TTCN ở thị xã La Gi và các huyện. Tích cực thực hiện các bước cho việc triển khai đầu tư dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân giai đoạn 1 với công suất 1.200 MW;

+Giới thiệu nhà đầu tư vào cụm nhiệt điện than Sơn Mỹ; tháo gỡ các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thủy điện Đại Ninh, Bắc Bình. Đôn đốc triển khai các bước chuẩn bị đầu tư Cảng nước sâu Kê gà (Hàm Thuận Nam), cảng chuyên dùng Vĩnh Tân (Tuy Phong).

+Công tác hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị, phát triển sản phẩm thủy sản chế biến, tảo, mủ cao su bước đầu có chú ý thực hiện;

+công tác khuyến công được quan tâm hơn, tập trung vào phát triển các làng nghề, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch và xuất khẩu, nhất là các ngành nghề truyền thống như làm gốm, dệt thổ cẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu lá buông, tre, đúc tượng mỹ nghệ;

+toàn tỉnh hiện có 21 làng nghề được công nhận (tăng 02 làng nghề so với đầu năm).

Tuy vậy năng lực cạnh tranh so với các tỉnh trong khu vực còn thấp; triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp còn chậm, thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp còn yếu. Riêng Khu công nghiệp Phan Thiết (giai đoạn 1) sau khi thu hút được 28 dự án (23 dự án trong nước, 5 dự án có vốn ĐTNN) đến nay còn 05 dự án đang trong thời gian xây dựng và 3 dự án chưa triển khai (trong số 28 dự án đầu tư); trong 20 dự án đi vào hoạt động, có 02 dự án gặp khó khăn ngưng hoạt động và đang làm thủ tục giải thể. Sang năm 2008 cần phải có những giải pháp tích cực hơn nữa, nhất là xúc tiến nhanh việc xây dựng các khu công nghiệp, đẩy mạnh việc phát triển các làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mới có thể đưa sản xuất công nghiệp tỉnh nhà phát triển ổn định

(Cục Thống kê Bình Thuận)

 

Nguồn: Vinanet