Như đã thành thông lệ, cứ gần cuối năm là các chủ cửa hàng vật liệu xây dựng ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông tăng giá bán, chứ không phải do vàng hay "đô" tăng như nhiều người nghĩ. Chiêu thức này xuất phát từ các "vựa" vật liệu xây dựng lớn. Do có vốn mạnh, họ nhập về số lượng vật liệu xây dựng tương ứng để trữ, cuối năm tung ra để kiếm lời...

Một số nhà thầu cho biết, thời điểm này, dù giá VLXD đã tăng khoảng 20% so với tháng trước, nhưng cửa hàng nào cũng chung điệp khúc "khan hàng" để đẩy giá thêm nữa. Vì sao? Vì đây là lúc nhu cầu sửa chữa nhà trong dân tăng cao, các công trình cũng ở giai đoạn nước rút để hoàn tất. Giới kinh doanh nắm được tâm lý người dân cuối năm không ai muốn việc sửa chữa nhà chậm chạp, không để việc xây dựng kéo dài từ năm cũ qua năm mới nên cứ thế làm giá, ép người cần.

* Tăng theo giá thép

Tổng công ty Thép Việt Nam mới đây đã tăng giá thép thêm 300.000 đồng/tấn. Theo đó, thép cuộn có giá bán giao tại nhà máy là 14,52 - 14,81 triệu đồng/tấn, thép cây là 14,57 - 15,27 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT). So với tháng 8 vừa rồi, giá thép của công ty này đã tăng gần 1 triệu đồng/tấn. Ngay lập tức các hãng thép khác, như: Vina Kyoei, Pomina... cũng tăng thêm 300.000 đồng/tấn.

Giá gạch cũng đang tăng khá cao.

Như vậy, trong tháng 11, thị trường thép có hai lần tăng giá, với mức tăng 500.000 đồng/tấn. Các doanh nghiệp sản xuất thép cho hay, nếu giá USD vẫn ở mức 21.000 đồng/USD, thì giá thép sẽ còn tăng. Giá thép tăng đã "kéo" theo giá các loại xi măng, gạch, cát... ầm ầm tăng, với mức tăng khoảng 10% so với tháng 10.

Giá xi măng Hà Tiên 1 đã tăng từ 70.000 đồng lên 73.000 đồng/bao 50kg, xi măng Holcim từ 69.000 đồng lên 70.000 đồng/bao 50kg. Giá gạch tuynel cũng dao động từ 680 đồng/viên - 1.200 đồng/viên, tăng khoảng 100 đồng/viên so với tháng 10. Gạch các loại, cát xây dựng, cát trộn bê-tông cũng "vồn vã" tăng theo.

* Cát xây dựng khan hàng

Dù không phải là những mặt hàng VLXD chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị công trình xây dựng nhưng cát là sản phẩm thiết yếu và sự khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ công trình.

Cả năm qua, giá cát có những đợt tăng giá rất lớn. Hiện nay, cát xây tô có giá khoảng 650.000 đồng/xe (loại 5m³/xe), cát trộn bê-tông khoảng 950.000 đồng/xe. Đá xây dựng gồm hai loại, đá 1-2 (dùng đổ bê-tông) có giá khoảng 1,45 triệu đồng/xe (loại chất lượng tốt), còn loại chất lượng kém hơn có giá khoảng 1,15 triệu đồng/xe; loại đá 5-7 (dùng đổ móng) giá khoảng 1,3 triệu đồng/xe...

Theo nhận định của một số chủ cửa hàng vật liệu xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh, hiện nhu cầu tiêu thụ cát xây dựng đang tăng cao, dự báo từ nay đến cuối năm giá mặt hàng này còn tăng khoảng 20% so với các tháng trước đó.

Dự báo này xuất phát từ thực trạng nguồn cung cát xây dựng hiện rất khan hiếm, Theo nhận định của một số người có kinh nghiệm khai thác nguồn vật liệu này thì do năm nay mùa khô hạn đến sớm, thời gian tới khoảng tháng nữa khi mực nước xuống thấp, khai thác cát sẽ khó khăn và dự báo kịch bản khan hàng, "bão giá" sắp tới là hoàn toàn có thể.

Một chủ cơ sở cung cấp cát cho hay, thời điểm này năm ngoái các công trình nhỏ mua số lượng ít không có cát để thi công vì không "cõng" nổi giá vận chuyển. Có thời điểm chỉ từ đầu tháng đến giữa tháng giá cát dao động tăng gấp hai lần khi đến chân công trình. Nhiều cơ sở kinh doanh khuyến cáo các chủ công trình nếu có sẵn bến bãi nên tập kết đủ khối lượng cần thiết ngay từ bây giờ, trước khi bắt tay vào thi công công trình.

* Té nước theo mưa

Lý do tăng giá VLXD ở hầu hết các cửa hàng hiện nay đều giống nhau: "Do USD và vàng tăng giá". Một chủ cửa hàng ở quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh giải thích: "Vàng tăng giá mỗi ngày, nếu VLXD không tăng giá thì kinh doanh sẽ... lỗ".

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng lý giải, "đô" tăng khiến giá phôi thép tăng lên khoảng 1 triệu đồng/tấn, tức từ 12 triệu lên 13 triệu đồng/tấn. Điều này đẩy chi phí đầu vào tăng theo, buộc các doanh nghiệp sản xuất thép phải tăng giá bán để bù lỗ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trước khi giá USD biến động mạnh, một lượng lớn phôi thép đã nhập về, cộng với lượng tồn kho không nhỏ trước đó, nên lấy lý do giá "đô", giá vàng tăng để nâng giá thép là không hợp lý.

Tại thời điểm này, cùng với chuyện tăng giá VLXD khoảng 20% so với tháng trước là chuyện ghìm hàng, tạo cơn sốt "khan hàng" để đẩy giá lên nữa.

Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, ngành xây dựng và các ngành chức năng phải vào cuộc mạnh hơn để bình ổn giá VLXD, góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá. Theo đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh VLXD cần tạo thêm nguồn hàng cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, đồng thời gương mẫu tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý giá cả, thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp hạn chế tăng giá hàng hóa, như: tiết giảm chi phí, chấp nhận giảm lãi để chia sẻ khó khăn với Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.

baodongnai

Nguồn: Vinanet