Từ năm ngoái, việc xuất khẩu ngô của Trung Quốc giảm đã tạo ra làn sóng nhập khẩu ngô vào châu Á, và điều này tạo thuận lợi lớn cho xuất khẩu ngô của Mỹ.

Thực tế là trong 3 tuần qua, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi châu Á đã mua rất nhiều ngô Mỹ.

Tết âm lịch đã qua, và nay các công ty Trung Quốc có thể khôi phục hoạt động xuất khẩu ngô. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu ngô của Trung Quốc giảm nhiều so với mấy năm trước đây. Vì vậy, xuất khẩu ngô Mỹ tuần này vẫn đạt khối lượng lớn.

Do số lượng lợn và gà nuôi ở châu Á đang tăng lên, nhu cầu ngô ở châu lục này không ngừng tăng.

Trong số những khách hàng mua ngô chính, Hàn Quốc nổi lên với khốilượng nhập khẩu lớn. Những công ty Hàn Quốc mua nhiều nhất là Nonghyup Feed Inc và Hiệp hội Chăn nuôi Hàn Quốc, đã mua những hợp đồng kỳ hạn tháng 5-7/09 trong tuần qua.

Trong khi đó, thời tiết ở Brazil và Áchentina tuần này tiếp tục khô, không chỉ ảnh hưởng tới vụ mùa ngô mà cả vụ mùa đậu tương. Điều này đang đẩy giá cả hai loại nông sản này tăng trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, xu hướng giá ngô tăng bị hạn chế bởi hiện tại, nguồn cung ngô thế giới vẫn vượt cầu.

Theo Ngân hàng Commonwealth của Australia, trái với dự đoán ban đầu, khô hạn ở Trung Quốc chưa chắc sẽ hỗ trợ giá lúa mì tăng, bởi tình hình không trầm trọng như những thông báo lúc đầu.

Tuy nhiên, nhập khẩu lúa mì vào châu Á tuần này chắc chắn vẫn cao.

Công ty Corp. of Pakistan tuần qua đã mua 237.000 tấn lúa mì với giá 231 USD/tấn, và dự kiến sẽ đấu giá mua thêm 250.000 tấn lúa mì xuất xứ Mỹ.

Bộ Nông nghiệp Nhật Bản dự kiến sẽ tham gia cuộc đấu thầu hàng tuần vào ngày 10/2 để mua lúa mì. Tính từ đầu năm tới nay, Bộ này đã mua trên 100.000 tấn lúa mì mỗi tuần, ngoại trừ tuần cuối cùng của tháng 1.

Nguồn: Vinanet