Tại các tỉnh phía Bắc và ĐBSCL thị trường lúa gạo ít biến động. Giá cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên so với cuối tuần trước tăng nhẹ, tăng 200 đ/kg lên 37.000 - 37.400 đ/kg...
Lúa gạo:
Tại các tỉnh phía Bắc, giá lương thực ít biến động. Giá lúa tẻ thường ở mức phổ biến 6.500 – 8.500 đ/kg, giá gạo tẻ thường ở mức 12.000 – 14.000 đ/kg.
Tại các tỉnh ĐBSCL, thị trường lúa gạo không biến động. Việc Việt Nam trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo cho Philippines trong cuộc đấu thầu nhập khẩu gạo cuối tuần qua không đủ tác động đến diễn biến giá do khói lượng quá nhỏ.
Hiện lúa Hè Thu sớm tại ĐBSCL đã cho thu hoạch hơn 1 tuần qua, giá lúa đang có dấu hiệu sụt giảm. Tại An Giang giá lúa giảm nhẹ 50 đ còn 4.600 đ/kg, gạo nguyên liệu loại 1 đứng trong khi loại 2 giảm 100 đ còn 6.000đ/kg, các loại gạo thành phẩm xuất khẩu giảm 100 – 200 đ/kg: 5% còn 6.900 đ/kg, 15% còn 6.800đ/g, 25% còn 6.700đ/kg. Tại Cần Thơ, lúa IR50404 tươi bán tại ruộng chỉ dao động 4.000 – 4.250 đ/kg, giảm khoảng 150-200 đ/kg so với đầu vụ. Các giống lúa chất lượng cao bán tươi dao động ở mức từ 4.250 – 4.600 đ/kg tùy theo từng địa phương và điều kiện vận chuyển.
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2015 đạt 2,081 triệu tấn, giảm 11% so với 2,34 triệu tấn cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên xuất khẩu gạo sang khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á đang phục hồi khả quan do tình hình dịch Ebola đã được kiểm soát tốt hơn tạo điều kiện cho các giao dịch thương mại gạo được thực hiện sang khu vực Tây Phi. Cụ thể, xuất khẩu gạo sang Algeria tăng 32% về lượng và 29% về trị giá kim ngạch, sang Angola tăng 49% về lượng và 33% về kim ngạch, sang Bờ Biển Ngà tăng 14% về lượng và 22% về kim ngạch, sang Ghana tăng 15% về lượng và 12% về kim ngạch…
Sáng nay 15/6, giá cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng nhẹ so với ngày hôm trước. Tính chung từ 8/6 đến 15/6, giá cà phê trong nước tăng nhẹ. So với cuối tuần trước, giá cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 200 đ/kg lên 37.000 – 37.400 đ/kg; Giá cà phê Robusta tại cảng Tp.HCM, FOB tăng 4 USD/tấn lên 1.790 USD/tấn. Nông dân và thương nhân Việt Nam đã bắt đầu bán hàng tồn kho do giá cả được cải thiện trong những ngày gần đây.
Tuy nhiên, so với thời điểm cuối năm ngoái giá cà phê nhân xô ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn giảm hơn 5.000 đ/kg và so với thời điểm đầu vụ thu hoạch giảm khoảng 3.500 đ/kg. Khác với quy luật nhiều năm, giá cà phê nhân xô hiện chưa đạt mức cao khiến không ít nông dân ở khu vực Tây Nguyên gặp khó khăn vì cố trữ cà phê.
Theo kết quả điều tra của hãng Bloomberg ở 8 thương gia, tính tới cuối tháng 5/2015, nông dân trữ khoảng 35% trong tổng sản lượng 1,56 triệu tấn của vụ mùa năm nay. Được biết, người trồng cà phê Việt Nam sẵn sàng tích trữ hàng lại chứ không muốn bán ở mức giá hiện thấp nhất 16 tháng trên thị trường nội địa như hiện nay. Đây là lý do khiến xuất khẩu cà phê Việt Nam đang giảm xuống thấp nhất kể từ năm 2010.
Tại Bình Phước, giá thu mua hạt điều khô hiện đang có xu hướng giảm khoảng 500 đ/kg so với tuần trước, hiện đạt 37.500 đ/kg, tuy nhiên, nhìn chung đây vẫn là mức giá khá cao.
Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 5 ước đạt 32 nghìn tấn với giá trị 221 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 117 nghìn tấn với 828 triệu USD.
Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm đạt 7.146 USD/tấn, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2014. Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt35,57%, 14,66% và 10,49% tổng giá trị xuất khẩu.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết: Từ đầu tháng 5, số lượng khách hàng từ Mỹ hỏi mua điều Việt Nam tăng lên đáng kể với giá tốt. Đặc biệt, đối tác đã đặt vấn đề mua xa đến tận quý IV-2015.
Có nhiều thông tin của cả người bán và người mua cho rằng năm nay kinh tế Mỹ đã khá lên, lượng tồn kho thấp, mùa vụ hạnh nhân lại không tốt như dự kiến do hạn hán, giá hạnh nhân đang bị đẩy lên cao và vì thế người Mỹ đang chuyển hướng qua tiêu thụ các loại hạt khác, đặc biệt là hạt điều để thay thế vì có giá cả cạnh tranh hơn và hàm lượng dinh dưỡng cao.
Tuy nhiên, Mỹ là một thị trường “khó tính” về mặt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, doanh nghiệp nào có vấn đề trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ có thể sẽ bị Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) từ chối khi xuất các lô hàng tiếp theo. Vì vậy, Vinacas khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu điều vào thị trường Mỹ cần lưu ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng theo đúng quy định của FDA, đặc biệt là các chỉ số vi sinh. Bên cạnh đó, trong giai đoạn mùa mưa đang diễn ra, doanh nghiệp lại càng phải cần quan tâm hơn đến kiểm soát chất lượng nhân điều xuất khẩu để giữ uy tín thương hiệu không chỉ của doanh nghiệp mà của cả ngành điều Việt Nam.
Nguồn: Vinanet/Bộ NN&PTNT, Báo Hải Quan