Đầu năm nay, nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng, vàng có thể lên đến 975 - 1.000 USD/ounce. Hiện các tín hiệu phân tích kỹ thuật cho thấy, khả năng này không phải là viển vông (xem đồ thị). Khi giá vàng vượt qua 945 USD/ounce thì một mô hình đảo chiều đi lên gần như đã được khẳng định.
 
Giá vàng quốc tế: nhiều yếu tố hỗ trợ
 
Thứ nhất, đồng USD bị bán ra mạnh do trong phát biểu vừa rồi của Ủy ban Thị trường mở (FOMC), các nhà điều hành chính sách tiền tệ không đưa ra tín hiệu về việc tăng lãi suất USD, điều mà nhiều nhà đầu tư quốc tế chờ đợi vì họ nghĩ rằng, lạm phát ở Mỹ tăng cao sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải tăng lãi suất. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương (NHTW) châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất đồng EUR thêm 25 điểm phần trăm. Điều đó đẩy nhanh tiến trình bán tháo USD của nhà đầu tư. Đồng USD giảm giá sẽ khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.
Thứ hai, đợt tăng ào ạt của giá dầu vừa qua đã kích hoạt quả bom đầu cơ nhắm vào mức giá 150 - 170 USD/thùng ngay trong mùa hè này. Giá dầu tiếp tục cao sẽ đẩy giá vàng tăng, do nỗi lo tăng giá cả toàn cầu. Trong tình hình bất ổn hiện tại ở Nigeria và khả năng xung đột diễn ra giữa Israel và Iran, người ta đang đầu cơ trên khả năng giá dầu vọt lên cao.
Thứ ba, hầu hết các TTCK thế giới sụt giảm trong những phiên giao dịch cuối tuần qua. Nhiều nhà đầu tư và phân tích, trong đó có Warren Buffett cho rằng, kinh tế Mỹ đang đi vào "lạm phát đình đốn" (stagflation), nghĩa là kinh tế tăng trưởng chậm, còn lạm phát tăng cao. Điều này tạo sức ép lên TTCK, vì khi đó cổ phiếu không được xem là kênh đầu tư hấp dẫn, mà người ta sẽ tìm đến những kênh tích trữ an toàn hơn. Theo một số nhà phân tích của Mỹ, trong tình hình hiện tại, khi mà suy nghĩ về tiết kiệm và tích trữ trở lại, vàng có thể là một lựa chọn tốt.
Thứ tư, lạm phát toàn cầu có thể tiếp tục tăng. Do tác động bởi giá dầu và khủng hoảng lương thực toàn cầu, tình hình tăng giá được dự đoán sẽ rất nghiêm trọng cho nhiều nước. Lo ngại lạm phát toàn cầu tiếp tục bùng nổ là cơ sở để EU, Úc, New Zealand xem xét đến những đợt tăng lãi suất trong thời gian tới. Ngay cả Nhật Bản, nước bị giảm phát trong một thập kỷ cũng đột ngột gặp tỷ lệ lạm phát trên 1%. Lạm phát cao sẽ khiến người ta mua vàng nhằm bảo vệ sức mua của đồng tiền.
Thứ năm, tình hình căng thẳng chính trị toàn cầu. Tuy khả năng Israel tấn công Iran được cho là chưa cao và có thể chỉ tạo ra tâm lý đầu cơ ngắn hạn, nhưng điều đó cũng đủ để không ít người lo ngại. Nỗi lo về nguồn cung dầu của Iran đã hỗ trợ mạnh cho giá vàng và giá dầu.
Nhiều nhà phân tích còn cho rằng, có thể "hiệu ứng mùa hè" (giá vàng thường giảm từ tháng 5 và chỉ phục hồi vào tháng 8) năm nay sẽ không đủ mạnh để ngăn cản đà tăng giá của vàng
 
 
Phân tích kỹ thuật: vàng có thể đạt 975 - 1.000 USD/ounce
 
Đầu năm nay, nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng, vàng có thể lên đến 975 - 1.000 USD/ounce. Hiện các tín hiệu phân tích kỹ thuật cho thấy, khả năng này không phải là viển vông (xem đồ thị). Khi giá vàng vượt qua 945 USD/ounce thì một mô hình đảo chiều đi lên gần như đã được khẳng định.
Các tín hiệu kỹ thuật cho thấy, vàng hiện nay bắt đầu đi vào giai đoạn tích lũy và giằng co, chưa có thấy xu thế tăng giá chắc chắn. Nhưng khi xu thế này hình thành, sẽ diễn ra những bứt phá mạnh. Do vậy, mức cản kỹ thuật 945 - 950 USD/ounce đã tạo lập trong quá khứ là những gì mà nhà đầu tư quốc tế kỳ vọng sẽ sớm bị phá vỡ.
 
 
Vàng trong nước: vẫn có thể tăng
 
USD trên thị trường tự do đã giảm, nhưng nếu dùng tỷ giá USD chính thức (khoảng 16.800 VND) để tính toán thì khi giá vàng quốc tế lên trên 950 USD/ounce, giá trong nước vẫn có thể đạt xấp xỉ 19,5 triệu đồng/lượng. Khả năng sẽ có nhiều người bắt đầu đi mua vàng và do đó đẩy giá vàng lên cao. Đây là hiệu ứng tự làm cho dự đoán của mình thành đúng (self-fulfilling prophecy), tức là dự đoán giá tăng, đi mua vào làm giá tăng. Thực tế, trong các đợt biến động giá vàng và USD gần đây tại Việt Nam, hiệu ứng này đã phát huy tác động.
Tuy các tín hiệu trong nước và quốc tế cho thấy, vàng có thể tăng giá, nhưng nếu tính tỷ suất sinh lợi thì chưa chắc kênh đầu tư vàng thực sự hấp dẫn. Có lẽ, những người mua vàng hiện tại chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ tài sản, tích trữ và phòng ngừa rủi ro lạm phát. Đương nhiên, cũng không loại trừ hiệu ứng đám đông, thấy người khác mua thì mua theo. Vì vậy, nếu nhà đầu tư muốn mua vàng thì phải thận trọng tính toán xem có phù hợp nhu cầu về tỷ suất sinh lợi và rủi ro của mình hay không, nhất là trong tình hình TTCK đang sôi động trở lại, dù còn nhiều rủi ro. Lưu ý, giá vàng và giá dầu quốc tế hiện tại đứng ở mức cao là do đầu cơ vào những điều xấu của nền kinh tế thế giới. Đầu cơ thì có tính biến động cao, nên giá vàng quốc tế có thể nhanh chóng xoay chiều, ngay cả khi giá vàng quốc tế đạt các mức 950 và 975 USD/ounce thì vẫn có thể nhanh chóng giảm lại do người ta bán ra kiếm lời. Do đó, chờ đợi cơ hội giá vàng điều chỉnh giảm để mua có thể là một chiến lược an toàn.

Nguồn: Internet