Tính đến ngày 15/7/2015, 15 dự án này đã nộp tiền sử dụng đất với tổng số tiền là 219,4 tỷ đồng.

Trong đó, có 03 dự án đã nộp hết số nợ tiền sử dụng đất là: Công trình hỗn hợp nhà ở, VP và TTTM tại 265 Cầu Giấy (thuộc Công ty cổ phần hóa chất & vật tư KHKT) nộp 93,208 tỷ đồng.

Dự án TTTM, VP và nhà ở (thuộc Công ty TNHH một thành viên đầu tư Việt Hà, Công ty XD và KT Việt Nam) nộp 20 tỷ đồng.

Dự án Nhà ở hỗn hợp cao tầng Đồng Phát Hoàng Mai tại Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (thuộc Công ty cổ phần đầu tư Đồng Tháp) nộp 5,159 tỷ.

2 dự án nộp đại đa số tiền nợ, 
gồm có dự án đầu tư tòa nhà hỗn hợp đa năng và nhà ở chung cư Vinafor tại số 55, đường 430, Vạn Phúc, Hà Đông - thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam – Công ty TNHH một thành viên nợ 6 tỷ đồng, đã nộp 5 tỷ đồng.

Dự án Tổ hợp nhà ở kết hợp VP và DVTM tại Trung Văn, Từ Liêm - Nhân Chính, Thanh Xuân của Tổng công ty ĐT XD cấp thoát nước và môi trường VN (Viwaseen) nợ 79,6 tỷ đồng, đã nộp 45,6 tỷ đồng.

Liên quan tới những thông tin ảnh hưởng tới khách hàng mua nhà tại những dự án mà chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất, bà Nguyễn Thị Hải Yến - Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế cho biết, cơ quan thuế sẽ xử lý theo quy định thông qua việc xác định khoản tiền chậm nộp phải nộp ngân sách nhà nước với mức 0,05%/ngày tính trên số tiền sử dụng đất chậm nộp và số ngày chậm nộp.

Đồng thời, cơ quan thuế sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế nhằm thu đủ số tiền sử dụng đất nợ vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hải Yến, việc chủ đầu tư dự án nợ tiền sử dụng đất thể hiện việc chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật của chủ đầu tư và là dấu hiệu cho thấy chủ đầu tư có những khó khăn, vướng mắc về tài chính để thực hiện dự án… 

Bà Hải Yến cũng khuyến cáo người mua nhà cần tìm hiểu kỹ về các chủ đầu tư không chấp hành pháp luật, có hạn chế về năng lực tài chính để tránh gặp phải rủi ro.

Trong diễn biến liên quan tới dự án nợ tiền sử dụng đất, luật sư Bùi Quang Hưng - Công ty luật BQH và cộng sự cảnh báo với những dự án không hoàn thành nghĩa vụ về đất đối với nhà nước, luật pháp quy định sẽ không cấp sổ đỏ cho những sản phẩm bất động sản thuộc dự án đó. Vì thế, người dân khi bỏ tiền ra mua nhà sẽ không được nhận sổ đỏ chứng mình quyền sử dụng đất của mình.


Luật sư Hưng cũng cho rằng các cơ quan cần siết chặt hơn nữa các biện pháp nhằm thu hồi tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước để đảm bảo sự khai thác hiệu quả cho tài nguyên đất của quốc gia và sự an toàn cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm bất động sản.

"Những biện pháp siết chặt như vậy sẽ khiến thị trường BĐS được thanh lọc, xóa bỏ các nhà đầu tư "tay không bắt giặc", duy trì những doanh nghiệp có tiềm năng tài chính và uy tín. Đồng thời, nguồn tài nguyên đất không bị sử dụng một cách lãng phí trong thời buổi tấc đất tấc vàng như hiện nay." - Luật sư Bùi Quang Hưng nhận định.

Đỗ Phong