Lỗi của ban quản lý dự án

Sáng ngày 21/7/2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) và các đơn vị liên quan nhằm xử lý hiện tượng hư hỏng Quốc lộ 5 (cũ).

Liên quan đến sự xuống cấp của quốc lộ 5 cũ, Giám đốc Ban QLDA3 Nguyễn Xuân Trường cho biết Dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa, khôi phục mặt đường QL5 gồm 13 gói thầu, được thực hiện từ tháng 1/2013 và kết thúc tháng 4/2014.

Về hiện tượng xuất hiện vệt hằn lún bánh xe, ông Trường báo cáo, tại gói số 9 (Km82-Km94), do Liên danh Cienco1 và Công ty Hall Brothers International thi công có xuất hiện một số vị trí mặt đường hằn lún nhẹ, cục bộ, có vị trí hằn lún từ 2,5-4cm.

Tại gói thầu số 10 (Km82-Km94), do Công ty TNHH Infasol thi công, từ thời điểm thi công xong (30/12/2013-15/5/2014), mặt đường ổn định, không có bất cứ hiện tượng gì. Tuy nhiên, trong đợt nắng nóng cao điểm từ 15/5-30/5/2014,  mặt đường đã xuất hiện hằn lún vệt bánh xe từ Km87-Km97. Từ đó đến nay hằn lún phát triển theo diện rộng cả 2 chiều trên đoạn tuyến này.

Gói thầu số 11 (Km94-Km104+600) do Liên danh Công ty cổ phần Tư vấn và xây dựng Biển Đông – Công ty 482 thi công đã xuất hiện vệt bánh xe ngay từ lúc mới khai thác và đưa vào sử dụng tại các vị trí đèn tín hiệu, các vị trí chân cầu.

Đối với gói thầu số 9, nhà thầu hiện đã cào đảm bảo giao thông các vị trí trồi bê tông nhựa lớn hơn 2,5cm để đảm bảo giao thông, khối lượng xử lý đạt 2,2km dài (trên một làn xe). Nhà thầu cũng đang thực hiện nghĩa vụ bảo hành theo quy định.

Đối với gói thầu số 10 và 11 nhà thầu đã triển khai sửa chữa ngay từ tháng 5/2014. Đến nay, nhà thầu vẫn đang tạm thời cào bóc các vị trí trồi bê tông nhựa để đảm bảo giao thông, khối lượng xử lý đạt 15km-17km dài.

Sau khi nghe báo cáo của ban Quản lý dự án (QLDA) và các đại diện liên quan, Bộ trưởng Thăng khẳng định việc để đường xấu, chất lượng không đảm bảo và còn hiện tượng hằn lún thì trách nhiệm số một thuộc về các Ban QLDA vì các Ban QLDA chưa làm hết trách nhiệm, chưa đủ năng lực quản lý, điều hành nên để nhà thầu làm không đảm bảo chất lượng.


“Đừng có đổ lỗi cho đường quá nhiều xe đi lại, nếu không có xe đi lại thì làm đường làm gì? Nhà đầu tư người ta thu phí làm sao?”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA3, Vụ Khoa học công nghệ tổ chức ngay đoàn khảo sát, mời thêm Tập đoàn Sơn Hải, Cienco1 để lên phương án sửa chữa. Nếu Tập đoàn Sơn Hải đồng ý sửa chữa thì chuyển toàn bộ kinh phí bảo hành cho đơn vị này thi công, nếu Sơn Hải không đồng ý để Cienco1 làm, không để nhiều đơn vị sửa chữa dẫn đến chất lượng không đồng đều.


Được biết, ngay chiều nay 21/7, ông Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ sẽ cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế hiện tượng hằn lún trên Ql 5 cũ. Trước đó Tổng Cục đường bộ Việt Nam cũng đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục hiện tượng hằn lún trên QL5.
  
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại buổi họp sáng ngày 21/7 - Ảnh: Bộ GTVT

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng đã khẳng định, tình trạng đường lún, hư hại tồn tại làm ảnh hưởng đến uy tín của toàn ngành, khiến người dân mất niềm tin.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Thăng cũng nhấn mạnh, các dự án dù làm bằng vốn trái phiếu hay BOT, BT… thì đều là tiền của dân, của doanh nghiệp. Là cơ quan quản lý, Bộ GTVT phải có trách nhiệm đưa ra các giải pháp đúng đắn, nhanh chóng để khắc phục hiện tượng này. 

Bộ trưởng chỉ đạo Bộ GTVT cũng cần phải xác định rõ vai trò của Ban QLDA và các bên liên quan, có văn bản chấn chỉnh khi chưa làm tròn trách nhiệm.

Song song với đó cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tải trọng xe, đặc biệt tại các kho hàng, bến cảng. Những dự án BOT không khắc phục được dứt khoát không cho thu phí.


Đỗ Phong