Chung cư xây dựng sai phép có giá chênh cao
Có lẽ Đại gia Lê Thanh Thản được dư luận biết đến nhiều nhất từ sau khi dự án Chung cư Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) được mở bán. Dự án đã một thời “làm mưa làm gió” trên thị trường BĐS trong năm 2013 với danh hiệu chung cư rẻ nhất Hà Nội (10 triệu đồng/m2).
Tuy nhiên, ngay sau đó dự án này cũng dính phải hàng loạt tai tiếng như bán penhouse không sổ đỏ, chủ đầu tư nhập nhèm trong cách tính diện tích căn hộ, khu chung cư bị thiếu nước trầm trọng...Và mới đây nhất chủ đầu tư Dự án Đại Thanh đã thực hiện gần 500 tỷ đồng nghĩa vụ tài chính sau quyết định thanh tra toàn diện.
Còn tại khu chung cư Xa La (Hà Đông), việc chủ đầu tư là Công ty Xây dựng số 1 Lai Châu lập lờ trong cách tính diện tích căn hộ, buộc khách hàng phải đóng thêm tiền khiến nhiều người bức xúc. Theo người dân, sau khi đo đạc thì mỗi hộ dân sẽ bị thiếu từ 2 đến 4m2 , nghĩa là số tiền khống diện tích mà người dân phải nộp cho chủ đầu tư sẽ là từ 30 đến 70 triệu đồng/mỗi căn. Sau đó, chủ đầu tư cho biết đây là do sai sót trong khâu đánh máy, sai sót về cơ học cách tính diện tích căn hộ.
Không chỉ khu chung cư Đại Thanh, Xa La mà nhiều dự án khác của đại gia Lê Thanh Thản tại Hà Nội cũng luôn đứng đầu về mức độ tai tiếng về giá chênh và xây dựng sai phép. Tại nhiều dự án, không ít căn hộ được xây cơi nới, tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho khách hàng, nhưng số tiền chênh vẫn lên đến cả trăm triệu đồng mỗi căn.
Giai đoạn từ năm 2012 đến giữa năm 2014, các dự án chung cư giá rẻ của “đại gia” Lê Thanh Thản hễ mở bán là được giới đầu cơ thu gom, sau đó đẩy tiền chênh cả chục đến trăm triệu đồng mỗi căn hộ như tại các dự án VP5, VP6, HH4, Khu đô thị Linh Đàm và dự án căn hộ thuộc Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ. Việc tiền chênh bị giới đầu cơ đẩy lên quá cao khiến nhà giá rẻ của vị đại gia này trên thực tế không còn rẻ.
Còn về xây dựng sai phép, có thể kể đến đến vụ lùm xùm về xây dựng sai phép tại dự án VP5 Linh Đàm. Khách hàng của dự án này đã phản ánh về việc được mời chào mua căn hộ tầng 30, 31, 32 trong khi giấy phép xây dựng chỉ được cấp đến tầng 29. Hay tại dự án Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, mặc dù tòa nhà CT11 chỉ được duyệt thiết kế 38 tầng nhưng lại được rao bán rầm rộ từ tầng 2 đến tầng 40, thậm chí là tầng 42. Tuy nhiên, trả lời truyền thông, ông Lê Thanh Thản khẳng định tòa nhà CT11 chỉ có 39 tầng. Việc rao bán từ tầng thứ 40 trở đi là việc của các sàn khác. Người mua phải tìm hiểu kỹ.
Loạt dự án khách sạn Mường Thanh xây dựng sai phép
Không chỉ tại Hà Nội, những dự án do công ty của ông Lê Thanh Thản làm chủ tại TP.HCM, Thanh Hóa, Bình Thuận... cũng bị phát hiện xây dựng sai phép, không phép với mức độ khá nghiêm trọng.
Mới đây nhất, ngày 11-6, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo ngừng thi công công trình Mường Thanh - Khánh Hòa cao 48 tầng ở TP Nha Trang. Nguyên nhân dự án bị ngừng thi công là do diện tích xây dựng, tổng mặt bằng và định vị hệ thống trụ thi công của dự án thực tế thay đổi so với hồ sơ bản vẽ thiết kế kèm theo Giấy phép xây dựng được cấp. Do vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu dừng thi công đối với một số hạng mục công trình thi công không đúng với nội dung so với hồ sơ bản vẽ.
Cuối năm ngoái, dự án Mường Thanh Sài Gòn tại địa chỉ 8A, Mạc Đĩnh Chi, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM cũng đã bị đình chỉ thi công. Theo thông tin UBND P.Bến Nghé cung cấp cho báo chí, ngày 2.1.2013 UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 1.282 m2 đất cho DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên để xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh. Công trình này đã được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng khu văn phòng cao khoảng 20 tầng đến ngày 31.3.2014. Tuy nhiên, khi hết phép xây dựng, chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công.
Tại Thanh Hóa, Doanh nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên khi xây dựng khách sạn tại đây cũng từng bị thanh tra xây dựng lập biên bản dừng thi công do xây dựng khách sạn trong khi không có giấy phép xây dựng.
Một dự án khác của đại gia Lê Thanh Thản cũng bị đình chỉ thi công là dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Coco Mũi Né (P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết, Bình Thuận). Tại dự án này, chủ đầu tư bị phát hiện xây lố gấp 3 lần diện tích được cấp phép. Được biết, dự án được cấp giấy phép xây dựng là 4 tầng (15,5 m) nhưng Tập đoàn Mường Thanh đã xây cao tới 7 tầng (21,5 m). Đáng chú ý là dù đã được Thanh tra xây dựng thuộc Sở Xây dựng Bình Thuận và UBND P.Hàm Tiến yêu cầu ngưng thi công nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình xây dựng. Chỉ đến khi Sở Xây dựng cho đoàn kiểm tra ra hiện trường lập biên bản tại chỗ thì việc thi công mới dừng lại.
Trước hàng loạt sai phạm ở chuỗi Khách sạn Mường Thanh mà tập đoàn này đang xây dựng, trả lời báo chí ông Trương Xuân Danh - phó tổng giám đốc doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (chủ đầu tư hệ thống khách sạn Mường Thanh) từng chia sẻ: "Nói Mường Thanh xây không phép thì chúng tôi khẳng định không dám làm thế, chỉ là một số khâu chưa kịp làm đầy đủ, dẫn đến không đáp ứng kịp thủ tục.....Thực tế có những công trình của Mường Thanh làm theo kiểu “vừa xếp hàng vừa hành quân”, tức là khởi công, xây dựng song song với quá trình xin giấy phép".
Theo Lan Nhi
Infonet