Thông báo trên được Bộ Tài chính chia sẻ vào thứ Sáu, ngày 25 tháng 8, có hiệu lực ngay lập tức và sẽ được áp dụng cho đến ngày 16/10/2023.
Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ cũng đã công bố biện pháp cứu trợ cho các trường hợp cụ thể. Các lô gạo đồ đang nằm tại cảng hải quan không có phê duyệt "lệnh xuất khẩu" (LEO) và được hỗ trợ bởi "thư tín dụng" (LC) hợp lệ nhưng được phát hành trước ngày 25 tháng 8 năm 2023 sẽ được miễn thuế xuất khẩu này.
Ngoài ra, Bộ trưởng Thực phẩm Sanjeev Chopra gần đây đã thông báo rằng Ấn Độ đã tung ra một lượng dự trữ bổ sung 200.000 tấn gạo ra thị trường để kiểm soát giá.
Tháng trước, Ấn Độ đã khiến các nhà nhập khẩu bất ngờ khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati – loại gạo được tiêu thụ rộng rãi. Trước đó, vào năm ngoái, nước này đã cấm xuất khẩu gạo tấm và lệnh cấm này vẫn đang có hiệu lực.
Reuters dẫn lời một đại lý gạo của một công ty thương mại toàn cầu - có trụ sở tại Mumbai - cho biết lệnh cấm đã thúc đẩy một số người mua tăng mua gạo đồ và nâng giá lên mức cao kỷ lục.
Đại lý này cho biết: “Với mức thuế này, gạo đồ Ấn Độ sẽ trở nên đắt đỏ tương đương gạo Thái Lan và Pakistan. Hiện nay người mua hầu như không có lựa chọn nào khác”.
Chỉ số giá gạo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc trong tháng 7/2023 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm do giá ở các nước xuất khẩu chính tăng vọt bởi nhu cầu mạnh mẽ sau khi Ấn Độ áp đặt các hạn chế xuất khẩu.
Ấn Độ chiếm hơn 40% xuất khẩu gạo thế giới và lượng gạo tồn kho thấp ở các nhà xuất khẩu khác có nghĩa là bất kỳ sự cắt giảm xuất khẩu nào từ Ấn Độ cũng có thể làm tăng giá lương thực - vốn đã tăng do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vào năm ngoái và do thời tiết thất thường.
Một đại lý của một công ty thương mại toàn cầu- có trụ sở tại New Delhi - cho biết, Ấn Độ hiện đã áp đặt các hạn chế đối với tất cả các loại gạo non-basmati, loại gạo mà người tiêu dùng nghèo ở châu Phi và châu Á thường ưa thích và chiếm khoảng 1/4 tổng lượng gạo xuất khẩu của quốc gia Nam Á này.
Đại lý này cho biết: “Giá gạo toàn cầu đã bắt đầu chững lại trong vài ngày qua sau khi tăng hơn 25% do các hạn chế của Ấn Độ vào tháng trước. Tuy nhiên, giá dự kiến sẽ tăng trở lại”.
Việc hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm gần đây cho thấy sự nhạy cảm của chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đối với lạm phát lương thực trước cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra vào năm tới.
Được biết, Ấn Độ xuất khẩu 7,4 triệu tấn gạo đồ trong năm 2022.
Dữ liệu từ quý đầu tiên của năm tài chính hiện tại cho thấy xuất khẩu gạo trắng non-basmati tăng lên 15,54 nghìn tấn, tăng đáng kể so với mức 11,55 nghìn tấn được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái. Sự gia tăng xuất khẩu này đóng một vai trò trong quyết định áp đặt các hạn chế nhằm kiềm chế giá cả leo thang của mặt hàng thực phẩm thiết yếu này.
Ấn Độ đang chứng kiến lạm phát giá tiêu dùng, hay còn gọi là giá bán lẻ tháng 7 tăng vọt, đạt mức cao nhất trong 15 tháng là 7,44%, so với 4,87% trong tháng 6, chủ yếu do giá thực phẩm tăng cao.
Sau khi hạn chế xuất khẩu gạo vào tháng 9 năm 2022, Chính quyền của ông Modi đã gia hạn lệnh cấm xuất khẩu lúa mì. Nước này cũng hạn chế xuất khẩu đường trong năm nay do năng suất mía giảm. Mới đây, Chính phủ Ấn Độ cũng áp dụng mức thuế xuất khẩu 40% đối với hành tây để tăng nguồn cung trong nước.
Số liệu thống kê hàng năm cho thấy Ấn Độ có vai trò quan trọng trên thị trường gạo toàn cầu. Xuất khẩu gạo basmati của nước này đạt 4,8 tỷ USD về giá trị và 4,56 triệu tấn về khối lượng trong giai đoạn 2022-2023. Đồng thời, xuất khẩu gạo non-basmati và gạo đồ lần lượt đạt 6,36 tỷ USD và 17,79 triệu tấn về giá trị và khối lượng trong năm tài chính trước đó.
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp, sản lượng gạo của Ấn Độ ước tính tăng lên 135,54 triệu tấn trong niên vụ 2022-23 (tháng 7-tháng 6), tăng so với 129,47 triệu tấn của năm trước.

 

Nguồn: VITIC/Vinanet (Theo Reuters)