Các thương nhân Việt Nam chào bán cà phê robusta loại 2, 5% hạt đen và vỡ ở mức trừ lùi 60 – 90 USD đối với hợp đồng giao tháng 7, so với mức trừ lùi 50 – 100 USD một tuần trước đó.

Theo giới thương lái ước tính, nông dân Việt Nam vẫn còn khoảng 35 – 40% cà phê tồn kho từ vụ thu hoạch trước. Việc bán ra vừa để lợi dụng thời điểm giá cao vừa để có tiền mua phân bón và nước tưới tiêu cho vụ cà phê hiện tại.

Trong khi đó, tại Indonesia, nông dân vẫn đang trong vụ thu hoạch cà phê nhỏ. Giới thương lái cho biết thị trường khá ảm đạm vì nguồn cung cà phê trên toàn cầu tăng mạnh.

“Giao dịch trên thị trường không tiến triển mấy, bởi hàng từ Việt Nam đang tràn ngập trên thị trường. Trong khi đó, huyện Lampung vẫn đang trong vụ thu hoạch,” một thương lái ở Lampung cho biết.

Cà phê robusta loại 4, 80 hạt lỗi ở Indonesia được bán với giá không đổi ở mức cộng 120 – 150 USD/tấn đối với hợp đồng giao tháng 7 tại London.

Sản lượng cà phê năm 2018 của Indonesia được dự báo giảm xuống khoảng 500.000 tấn từ mức 615.000 tấn của năm ngoái, trong khi xuất khẩu cũng dự báo giảm vì tiêu thụ nội địa tăng mạnh, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Indonesia cho biết. Riêng trong quý I, xuất khẩu cà phê Lampung ước giảm 72,6% xuống 11.665 tấn cà phê so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu Hải quan.

Hiện tại, các doanh nghiệp chế biến cà phê hòa tan ở Indonesia đẩy mạnh mua cà phê trước khi bước vào những tháng Ramadan, cao điểm tiêu thụ cà phê tại nước này.

Nguồn: VITIC/Reuters

 

Nguồn: Vinanet