Ngày 29/6 vừa qua, bà Florika Fink-Hooijer, Tổng vụ trưởng Vụ Môi trường của Ủy ban châu Âu (EC) từ Bỉ qua Việt Nam tham dự Hội nghị "Sản xuất và cung ứng nông sản không gây mất rừng theo quy định của Liên minh châu Âu", do Bộ NN-PTNT Việt Nam tổ chức.
Nhân dịp này, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện bài phỏng vấn độc quyền với bà Florika Fink-Hooijer về phương thức áp dụng hay hệ quả khi EUDR có hiệu lực cũng như khả năng hỗ trợ của châu Âu với Việt Nam khi thực thi quy định này.
Được biết, Liên minh châu Âu là tổ chức có vai trò rất tích cực trong các hoạt động bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học, đặc biệt là thông qua các chương trình và chính sách công. Vậy bà có thể chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm của châu Âu liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học nhưng vẫn đảm bảo sinh kế của người dân địa phương?
Trước tiên, Liên minh châu Âu (EU) luôn cam kết bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học cũng như hỗ trợ các cộng đồng địa phương. Đến nay, chúng tôi đã có nhiều chương trình, chính sách khác nhau để bảo tồn rừng và bảo vệ đa dạng sinh học cả trong nội khối cũng như với các đối tác trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Với nội bộ EU, chúng tôi làm việc trên cơ sở “Chiến lược đa dạng sinh học toàn diện của châu Âu” và chúng tôi đang tập trung vào việc thực hiện “Khung đa dạng sinh học toàn cầu” mới mà tất cả các thành viên đều đã đồng ý tham gia.
Ở góc độ toàn cầu, chúng tôi nỗ lực hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác, cả ở góc độ song phương lẫn đa phương, hướng tới việc bảo vệ các vùng đất và mặt nước theo mục tiêu 30x30. Trong đó, 30x30 được hiểu là mục tiêu mà 30% diện tích đất liền, nội thủy, duyên hải và đại dương trên thế giới sẽ được bảo vệ và quản lý hiệu quả vào năm 2030 bằng việc huy động tài nguyên, tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ thông tin đã được số hóa.
Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) được xây dựng dựa trên các bài học được rút ra từ quy trình FLEGT và Quy định về gỗ của châu Âu (EUTR). Trong đó bao gồm các quy định phải tuân thủ đối với nhà khai thác gỗ và chế biến các sản phẩm gỗ để xuất khẩu sang châu Âu. EUDR ra đời sẽ bãi bỏ EUTR và cải thiện những thiếu sót hiện có của hệ thống.
Một trong những lợi ích chủ chốt của EUTR là tác động của nó đối với tính minh bạch của chuỗi cung ứng. Những người khai thác sẽ phải theo dõi nguồn cung từ các vùng trồng và thẩm định trước khi đưa các sản phẩm vào thị trường châu Âu để đảm bảo gỗ được khai thác hợp pháp. Từ đó cho phép san sẻ áp lực từ chuỗi cung ứng xuống nguồn cung ban đầu của sản phẩm nhằm đảm bảo các thông tin được thu thập một cách hợp pháp. Điều này đã được các bên liên quan cũng như giới khoa học xác nhận.
Các quốc gia thành viên EU đã có động thái để nâng cao nhận thức về vấn đề khai thác gỗ trái phép thông qua vận động và giáo dục người khai thác.
Tương tự, Ủy ban châu Âu đã cho ra đời các tài liệu nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến tính hợp pháp của gỗ, qua đó giúp các quốc gia liên quan và những người khai thác hiểu hơn về công việc của mình.
Cuối cùng, chúng tôi rất hiểu và đánh giá cao tầm quan trọng của các địa phương, khu vực phụ thuộc vào rừng. Châu Âu đánh giá cao những tri thức truyền thống của họ và tích cực thu hút họ tham gia vào quá trình xây dựng các quy định.
Nhiều dự án như Quỹ REDD của châu Âu đang hỗ trợ các nước đang phát triển cải thiện năng lực quản trị sử dụng đất để bảo tồn rừng. Bằng cách hợp tác chặt chẽ với người dân địa phương, châu Âu hy vọng vừa có thể đẩy mạnh công tác bảo tồn và đi cùng với đó là cải thiện phúc lợi cho người phụ thuộc vào rừng.
Bà Florika Fink-Hooijer khẳng định châu Âu sẵn sàng có các giải pháp hỗ trợ Việt Nam thực thi EUDR. Ảnh: Minh Hậu.
Vậy bà có thể nêu ra một số thách thức mà các nhà lập pháp đang phải đối mặt trong bối cảnh EUDR sắp có hiệu lực, ví dụ như làm sao để áp dụng hiệu quả quy định này từ góc nhìn của châu Âu sang các nước đang phát triển, như Việt Nam?
EUDR sẽ có hiệu lực vào cuối năm tới và điều quan trọng là phải chuẩn bị cho tất cả những đối tượng liên quan, bao gồm cả trong và ngoài châu Âu để sản phẩm của họ đáp ứng được yêu cầu của quy định này.
Nên nhớ, những quy tắc này được áp dụng cho mọi sản phẩm tiêu thụ trong thị trường châu Âu, không phân biệt nguồn gốc của sản phẩm.
Quy định mới này mở rộng phạm vi của công tác truy xuất nguồn gốc vốn đã quen thuộc với nhà sản xuất gỗ của Việt Nam, từ đó mở rộng thêm những nông sản mới dễ gây phá rừng, những nông sản mà người tiêu dùng châu Âu tiêu thụ nhiều.
Ngoài tính hợp pháp của quá trình sản xuất, các nhà cung ứng còn phải chứng minh nguồn gốc của sản phẩm không liên quan đến phá rừng hay gây mất rừng từ sau ngày 31/12/2020. Mốc thời gian này cũng là thời điểm mà các quốc gia liên quan cam kết chấm dứt nạn phá rừng, như một phần của “Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu”.
EUDR bám sát các định nghĩa về “rừng” hay “phá rừng” đã được FAO nêu rõ, hướng tới tất cả những nhà sản xuất đưa sản phẩm vào châu Âu, chứ không phải chỉ nhằm vào các quốc gia ngoài châu Âu.
Tuy nhiên, để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc và thẩm định nguồn gốc sản phẩm một cách đầy đủ, vẫn cần có sự hỗ trợ của tất cả các bên nằm trong chuỗi cung ứng.
Việc hợp tác chặt chẽ với các quốc gia liên quan sẽ đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc hoàn thành các mục tiêu của quy định và điều này cũng được nhấn mạnh trong quá trình xây dựng EUDR.
Do đó, châu Âu đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia liên quan, ví dụ như Việt Nam. Cụ thể là đối thoại ở các diễn đàn song phương và đa phương cũng như thảo luận về những thách thức cụ thể hay những nhu cầu hỗ trợ. Đây cũng là lý do mà tôi vừa đến Việt Nam để dự một hội nghị, qua đó lắng nghe trực tiếp ý kiến từ những nhà sản xuất về cơ hội và thách thức của họ với EUDR.
Vậy với những quy định nghiệm ngặt của EUDR, theo bà quy định này sẽ ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp và nông hộ sản xuất quy mô nhỏ?
Trước hết, cần nhắc lại EUDR tập trung vào khâu cuối của chuỗi cung ứng, cụ thể là những nhà buôn đưa sản phẩm vào châu Âu. Họ cần thẩm định và đảm bảo hàng hóa của mình hợp pháp và không gây mất rừng.
Vai trò của các nhà sản xuất và nông hộ trong vấn đề này là cung cấp dữ liệu về chỉ dẫn địa lý. Chúng tôi hy vọng các đơn vị khai thác sẽ đồng hành với nhóm sản xuất để hiểu những gì mình phải làm. Đương nhiên, Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Ngoài ra, những cơ chế hợp tác trong tương lai sẽ đặc biệt chú ý đến tình hình của các hộ sản xuất nhỏ, điều này cũng đã được dự thảo trong EUDR. Hiện nay Ủy ban châu Âu đã có cẩm nang liên quan vấn đề này, xuất bản vào ngày 29/6 vừa qua và có thể sẽ ban hành thêm các hướng dẫn để giúp các đối tượng liên quan tuân thủ quy định một cách dễ dàng hơn.
Hơn nữa, EUDR được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy cơ hội tham gia thị trường cho các nhà sản xuất nhỏ, chỉ cần họ đảm bảo được tính hợp pháp của sản phẩm. Do đó, nhiều tổ chức và hộ sản xuất nhỏ trên thế giới đã bày tỏ sự ủng hộ với quy định này. Họ xem tính minh bạch ngày càng tăng trong chuỗi cung ứng là cơ hội để họ có thể tiếp cận thị trường một cách công bằng hơn.
Cuối cùng, điều tôi muốn nói là những doanh nghiệp và hộ sản xuất nhỏ sẽ được hưởng lợi từ EUDR vì họ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ tác động của biến đổi khi hậu và giảm đa dạng sinh học do mất rừng.
Những doanh nghiệp, nông hộ nhỏ sẽ nhận được sự hỗ trợ và có cơ hội tham gia thị trường một cách công bằng khi EUDR có hiệu lực. Ảnh: Minh Hậu.
Về tổng thể, bà có chia sẻ gì về thị trường nông nghiệp bền vững mà EUDR cùng với “Thỏa thuận xanh” cũng như “Chiến lược từ nông trại đến bàn ăn” sẽ tạo ra trong tương lai?
EUDR cùng với các chính sách khác của châu Âu như “Thỏa thuận xanh” hay “Chiến lược từ nông trại đến bằn ăn” sẽ thúc đẩy cơ hội cho một nền nông nghiệp bền vững hơn.
Các quy định này sẽ giúp ngăn chặn nạn phá rừng trên toàn cầu bằng cách đảm bảo rằng các nông sản liên quan đến rừng phải đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc khi đưa vào thị trường châu Âu.
Bằng cách cấm những sản phẩm liên quan đến phá rừng hay gây mất rừng lưu thông trên thị trường, EUDR sẽ thúc đẩy một quá trình sản xuất và xây dựng nguồn cung có trách nhiệm.
Điều này tạo ra một diện mạo mới cho thị trường toàn cầu, không chỉ giảm tác động đến môi trường từ các hoạt động nông nghiệp trên toàn thế giới mà còn tăng cường khả năng phục hồi cũng như khả năng cạnh tranh của lĩnh vực nông nghiệp.
Xin cảm ơn bà!
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, một khi EUDR được triển khai sẽ tạo ra những cơ hội thiết thực cho nông nghiệp bền vững và nền kinh tế nói chung. Việc bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái sẽ góp phần tăng cường khả năng phục hồi và phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Thêm nữa, châu Âu sẵn sàng hỗ trợ nông dân và cơ quan quản lý của Việt Nam bằng cách cung cấp khuyến cáo, hướng dẫn và thúc đẩy sử dụng các công cụ hỗ trợ cho công tác truy xuất nguồn gốc.
Bà Florika Fink-Hooijer