Giá ca cao kỳ hạn tại New York đã tăng trên 4.200 USD/tấn, mức cao nhất đối với mặt hàng này kể từ tháng 9/1977, vượt qua mức đỉnh năm 2011 do lệnh cấm xuất khẩu ca cao khi đó của Bờ Biển Ngà. Giá ca cao (nguyên liệu chính trong sản xuất sô cô la) đã tăng vọt khoảng 75% kể từ đầu năm đến nay.
Giới chuyên gia nhận định, nguyên nhân giá ca cao tăng đột biến là do tình trạng mất mùa ở Bờ Biển Ngà và Ghana, nơi cung cấp 60% lượng ca cao cho thế giới trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt và nhiều vườn ca cao phải đối mặt với dịch bệnh, nông dân sử dụng ít phân bón hơn. Sản lượng ca cao ở cả 2 nước này đã giảm mạnh so với năm trước làm dấy lên lo ngại về việc thắt chặt hơn nữa thị trường vốn đã thiếu cung, theo truyền thông địa phương.
Theo dữ liệu của Trading Economics, Bờ Biển Ngà đã xuất khẩu 348.560 tấn ca cao từ ngày 1/10 đến ngày 12/11, thấp hơn 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia phân tích trong ngành cũng lưu ý rằng diễn biến giá ca cao tăng mạnh có thể là mối đe dọa đối với nguồn cung toàn cầu do hình thái El Nino dự kiến sẽ làm Tây Phi hạn hán trong nhiều tháng tới. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung cũng trở nên trầm trọng hơn do nhu cầu thế giới đối với hạt ca cao tăng mạnh, đặc biệt là ở những nơi sản suất sô cô la hàng đầu như châu Âu. Trong khi đó, Brazil và Bờ Biển Ngà đã bắt đầu tăng giá mặt hàng này trong những tháng gần đây.
Theo Tổ chức Ca cao Quốc tế (ICCO), thị trường ca cao toàn cầu ước thiếu hụt khoảng 116.000 tấn trong niên vụ 2022 - 2023, kéo dài từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023.

Nguồn: Lâm Hưng/Báo Nông nghiệp Việt Nam