Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 giảm 11,4% còn xuất khẩu cà phê ở tỉnh Lampung, Indonesia giảm 41% so với cùng kì năm trước.
Trên thị trường cà phê thế giới, mở cửa phiên 03/6 hai sàn giao dịch cùng nhích nhẹ. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London tăng 10 USD, tương đương 0,63% lên 1.601 USD/tấn. Robusta kéo dài chuỗi tăng giá liên tiếp bất chấp Brazil, Indonesia - các nước sản xuất chính - đã thu hoạch vụ mới, bù lại sự thiếu hụt nguồn cung của Việt Nam do thị trường nội địa vẫn còn kháng giá.
Giá arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn New York thay đổi nhẹ lên mức 161,15 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất 4,5 năm ở 166,75 US cent/lb trong phiên trước đó. Giá duy trì bền vững do lo ngại hạn hán tại Brazil – nước sản xuất hàng đầu.
Colombia là nước sản xuất cà phê arabica lớn thứ 2 thế giới trong khi Mỹ lại là nước tiêu dùng cà phê lớn nhất thế giới, rất ưa chuộng loại cà phê chất lượng cao, vị nhẹ này.
Tuy nhiên, do các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Colombia đã khiến việc giao hàng tới Mỹ bị trậm trễ tới 5 tuần. Liên đoàn cà phê Colombia ước tính, hơn một nửa triệu bao cà phê (loại 60kg) sẽ chưa thể giao tới khách hàng nước ngoài.
Caravela - nhà nhập khẩu cà phê chất lượng cao tại Mỹ - đang hợp tác với các nhà chức trách và các đối tác để tìm cách nối lại vận chuyển và có thể sẽ cung cấp cà phê từ 6 nước khác để thay thế cho cà phê Colombia nếu các nhà rang xay không thể chờ thêm.
Tính đến cuối tháng 4/2021, lượng cà phê dự trữ tại các kho của Mỹ tăng 83.405 bao so với cuối tháng 2/2021, theo Green Coffee Association.