Hợp đồng dầu cọ giao tháng 9/2022 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch giảm 68 ringgit, tương đương 1,36% xuống 4.921 ringgit (1.118,92 USD)/tấn. Thời điểm nghỉ giữa ngày, hợp đồng kỳ hạn này ở mức 4.909 ringgit (1.116,19 USD)/tấn.
Các công ty dầu cọ Indonesia sẽ được nâng hạn ngạch xuất khẩu lớn hơn theo kế hoạch mới, nhằm điều chỉnh các quy định về bán dầu ăn trong nước, như một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện phân phối dầu ăn trong nước sau cuộc khủng hoảng giá kéo dài nhiều tháng.
Paramalingam Supramaniam, Giám đốc công ty môi giới Pelindung Bestari có trụ sở tại Selangor cho biết, dự đoán về sản lượng mạnh hơn trong tháng 7/2022, báo cáo về việc các nhà máy xay xát đóng cửa hoạt động do điều kiện thị trường không thuận lợi, cũng như giá vận chuyển hàng hóa tăng vọt là những nguyên nhân chính gây ra sự biến động trên thị trường cọ. Thị trường đang theo dõi xuất khẩu, vốn có thể tiếp tục suy yếu do thiếu nhu cầu, chi phí vận tải tăng cao và khó khăn trong việc tìm tàu.
Nhu cầu đối với dầu cọ của Malaysia đã bị gián đoạn bởi đối thủ cạnh tranh lớn hơn là Indonesia đã quay trở lại thị trường xuất khẩu sau khi các lô hàng gần đây bị tạm dừng.
Nhà xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới đã gây chấn động thị trường toàn cầu vào cuối tháng 4/2022 khi cấm xuất khẩu dầu ăn trong ba tuần nhằm hạ nhiệt giá dầu ăn trong nước.
Kể từ khi dỡ bỏ lệnh cấm, các công ty dầu cọ đã được yêu cầu bán một phần sản lượng của họ cho thị trường nội địa - gọi là Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO) - để đổi lấy giấy phép xuất khẩu với số lượng gấp 5 lần lượng bán trong nước.
Các quy tắc mới đang được soạn thảo để các công ty có thể chọn bán dầu ăn không có nhãn hiệu trong bao bì với giá tương đương với giá dầu ăn số lượng lớn, nhằm giúp hoạt động hậu cần suôn sẻ hơn.
Sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, Indonesia đã cắt giảm thuế xuất khẩu và khởi động kế hoạch tăng tốc xuất khẩu, khiến giá dầu cọ giảm hơn 20% trong tháng qua. Tuy nhiên, tốc độ nối lại xuất khẩu đã chậm lại, với 1,89 triệu tấn dầu cọ được cấp phép kể từ khi lệnh cấm được dỡ bỏ vào ngày 23/5/2022.
Những người trồng cọ đã thúc giục Chính phủ bãi bỏ các quy tắc DMO để hỗ trợ xuất khẩu và họ cho rằng một số nhà máy đã đóng cửa hoạt động do lượng hàng tồn kho cao. Tuy nhiên, việc loại bỏ DMO sẽ khó thực hiện cho đến khi dầu ăn số lượng lớn đạt 14.000 rupiah (0,9437 USD)/lít - mức giá mục tiêu của chính phủ.
Giá đã giảm đều đặn và Chính phủ nước này cho biết họ đang sử dụng một ứng dụng để theo dõi doanh số bán hàng tại địa phương và ngăn chặn tình trạng tích trữ.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương tăng 0,5%, giá dầu cọ tăng 0,8%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương giảm 1,1%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters