Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 6/2021, giá lợn hơi trong nước tiếp tục xu hướng giảm.
Thị trường tiêu thụ chậm dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát khiến các hoạt động ăn uống và du lịch bị giới hạn, bất chấp động thái tạm ngừng nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan. Trong khi đó, nguồn cung được đảm bảo do người chăn nuôi dần hồi phục đàn, việc tái đàn ở các địa phương diễn ra thuận lợi.
Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tới việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên đẩy giá cám lên cao. Mặc dù khó khăn này chỉ là tạm thời, nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng tới quá trình chăn nuôi, làm chậm lại nỗ lực khôi phục đàn lợn.
Những ngày đầu tháng 7/2021, xu hướng giảm giá tiếp tục diễn ra. Khảo sát của phóng viên về mức giá ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam ngay trong ngày 5/7/2021 so với ngày 2/7/2021 cho thấy, thị trường lợn hơi miền Bắc ghi nhận điều chỉnh giảm từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg, giá thu mua dao động trong khoảng 60.000 - 66.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giá đi ngang sau những ngày giảm, giao dịch trong khoảng 60.000 - 65.000 đồng/kg.
Riêng khu vực miền Nam, giá lợn hơi giảm mạnh ở nhiều tỉnh. Cụ thể, giá lợn hơi cùng giảm 2.000 đồng/kg, tỉnh Đồng Nai về mốc 54.000 đồng/kg và Bà Rịa-Vũng Tàu về mốc 56.000 đồng/kg.
Tại Hậu Giang, giá giảm 3.000 đồng/kg về mốc 55.000 đồng/kg. Tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc trăng, giá cùng giảm 4.000 đồng/kg xuống mốc 54.000 đồnh/kg. Đây cũng là mốc giá tại Đồng Nai hiện có sau khi giảm 5.000 đồng/kg. Riêng Cần Thơ, giá lợn hơi giảm mạnh 6.000 đồng/kg, về mốc 56.000 đồng/kg.
Bộ Công Thương dự kiến, giá lợn hơi sẽ phục hồi trở lại trong quý 3/2021 nhờ dịch bệnh được kiểm soát, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc người chăn nuôi thận trọng trong việc tái đàn có thể giúp thị trường trở nên cân bằng ở thời điểm hiện tại, giúp cho doanh nghiệp quản lý tốt hơn vấn đề tài chính. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ dẫn tới việc thiếu hụt nguồn cung vào thời gian tới.
Do đó, người chăn nuôi cần chủ động thay đổi phương thức kinh doanh, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi. Khi dịch Covid-19 ổn định, nhu cầu về thực phẩm cho các ngành chế biến, các nhà hàng, bếp ăn sẽ rất lớn.
Về mặt nhập khẩu thịt lợn, theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong tháng 5/2021, Việt Nam nhập khẩu 14,63 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 33,52 triệu USD, tăng 313,7% về lượng và tăng 249,4% về trị giá so với tháng 5/2020. Giá nhập khẩu trung bình đạt 2.291 USD/tấn, giảm 15,5% so với tháng 5/2020.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 63,5 nghìn tấn, trị giá 146,41 triệu USD, tăng 142,2% về lượng và tăng 130,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá lợn hơi có thể phục hồi vào quý 3/2021
Trong 5 tháng đầu năm 2021, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 27,41 nghìn tấn, trị giá 74,96 triệu USD, tăng tới 608,6% về lượng và tăng 544,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá nhập khẩu trung bình đạt 2.751 USD/tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến thời điểm cuối tháng 6/2021, tổng đàn bò cả nước tăng 2,5%, lợn tăng 11,6%, gia cầm tăng 5,4% (riêng đàn trâu giảm 3,1%) so với cùng thời điểm năm 2020.
Ước tính 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt trên 3,2 triệu tấn. Trong đó, sản lượng thịt bò hơi đạt 231.000 tấn, tăng 4,2% (quý 2 đạt 106.000 tấn, tăng 4,6%); sản lượng thịt trâu hơi đạt 61.000 tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2020 (quý 2 đạt 27.000 tấn, giảm 1%); sản lượng thịt lợn hơi đạt 2 triệu tấn, tăng 8,1% (quý 2 đạt 1 triệu tấn, tăng 8,6%); sản lượng thịt gia cầm hơi đạt 932.000 tấn, tăng 6,1% (quý 2 ước đạt 450.000 tấn, tăng 6,1%)...

Nguồn: haiquanonline.com.vn