Tại miền Bắc
Tại tỉnh Hưng Yên, Thái Bình giá lợn hơi đạt mức cao nhất cả nước 69.000 đồng/kg, các địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Lào Cai, Nam Định giá lợn hơi 66.000 - 68.000 đồng/kg; còn tại tỉnh Yên Bái, Hà Nam giá thu mua với mức 65.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 65.000 - 69.000 đồng/kg.
Tại miền Trung - Tây Nguyên
Tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Quảng Bình, Bình Định, Lâm Đồng giá lợn hơi ở mức 63.000 - 66.000 đồng/kg, tại tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận giá 60.000 đồng/kg, còn tại tỉnh Bình Thuận 59.000 đồng/kg, đây là địa phương thấp nhất cả nước. Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 59.000 - 66.000 đồng/kg.
Tại miền Nam
Tại tỉnh Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Bạc Liêu giá lợn hơi ở mức 64.000 - 66.000 đồng/kg; tại tỉnh Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Sóc Trăng giá lợn hơi được thu mua với mức 60.000 - 62.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 60.000 - 66.000 đồng/kg.
Dự báo tiêu thụ thịt lợn Việt Nam tăng mạnh
Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, tổng tiêu thụ thịt tại Việt Nam tăng hơn 25% trong giai đoạn 2018-2026. Trong đó, thị lợn chiếm khoảng hai phần ba lượng thịt tiêu thụ.
Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng tiêu thụ thịt mạnh nhất toàn cầu những năm tới. Đến năm 2026, trung bình mỗi người Việt tiêu thụ hơn 51 kg thịt (31 kg thịt lợn, hơn 16 kg thịt gà và hơn 4 kg thịt bò) mỗi năm, tăng 9% so với mức dự báo năm nay. Trong khi đó, tiêu thụ thịt bình quân toàn cầu chỉ ở mức 34,6 kg vào năm 2026, tăng chưa đến 0,5 kg trong 10 năm, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Cùng với đà tăng sức cầu thị trường, báo cáo của Fitch Solutions cũng chỉ ra xu hướng công nghiệp hóa đang phát triển mạnh mẽ trong chăn nuôi lợn. Sau đợt lây lan của dịch tả lợn châu Phi, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ đã và đang rời bỏ ngành khi đầu tư tốn kém nhưng giá cả lại biến động. Thay vào đó, quá trình đầu tư công nghiệp hóa và tập trung hóa sẽ tăng cường. Thực tế thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi phải bỏ chuồng trại khi chưa kịp khắc phục hậu quả từ dịch tả lợn đã phải gồng mình trước sức ép chi phí đầu vào. Nhiều địa phương như Đồng Nai - thủ phủ heo hơi, Tiền Giang, Tây Ninh, Đắk Lắk, Vĩnh Long... đều ghi nhận nông dân không dám tái đàn. Với các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, Fitch Solutions cho rằng đây là cơ hội để tăng công suất nhằm hưởng lợi từ sự phục hồi giá thịt lợn trong tương lai.
Việt Nam tăng cường xuất khẩu thịt lợn
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 7/2022, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại gồm thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh và thịt lợn nguyên con đông lạnh), đùi ếch đông lạnh.
Đáng chú ý, trong số này khối lượng các mặt hàng thịt lợn xuất khẩu lên tới 1.050 tấn, đạt 4,47 triệu USD, tăng 343,7% về lượng và tăng 104,3% về trị giá so với tháng 7/2021. Song, giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng thịt lợn lại chỉ đạt 4.235 USD/tấn, giảm 54% so với tháng 7/2021.
Thị trường xuất khẩu chính mặt hàng thịt lợn của Việt Nam là Hồng Kông, Thái Lan và Lào. Trong đó xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chiếm 57,48% tổng lượng thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh xuất khẩu của cả nước trong tháng 7/2022. Với đà tăng trưởng như trên dự báo, xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt sang thị trường này sẽ tiếp tục bứt phá mạnh trong những tháng cuối năm.

Nguồn: Vinanet/VITIC/tieudung